Nhóm  G7 muốn tập hợp một liên minh các nước nhập khẩu cùng áp dụng 1 mức giá trần với dầu thô xuất khẩu của Nga. Nhóm này dự định sẽ triển khai cơ chế áp giá trần muộn nhất là vào ngày 5/12 tới, khi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô Nga có hiệu lực.

Mỹ và các nước thành viên G7 cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ từ một số nước châu Á đối với đề xuất này. Thực tế nhập khẩu dầu của Indonesia từ Nga không lớn so với lượng nhập khẩu từ các nhà kinh doanh dầu thô có trụ sở tại Singapore. Tuy nhiên có thể Mỹ đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Indonesia vì quốc gia này hiện đang là Chủ tịch G20, với Nga là thành viên.

Chia sẻ với Jakarta Post, một quan chức Mỹ cho biết chuyến thăm của Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Elizabeth Rosenberg đến Indonesia trong tuần này nhằm thảo luận những biện pháp để giảm tác động của cuộc xung đột Nga-Ucraine đối với giá năng lượng toàn cầu, bao gồm khả năng áp giá trần đối với dầu của Nga. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 và các Thống đốc ngân hàng trung ương vào tháng trước tại Indonesia cũng tích cực kêu gọi sự ủng hộ đối với kế hoạch này, gọi đây là “một trong những công cụ mạnh mẽ nhất” để chống lại lạm phát.

Ủng hộ đề xuất này được đánh giá có lợi cho Indonesia vì chính phủ đang phải trả rất nhiều tiền trợ cấp nhiên liệu do giá dầu thô tăng cao. Tuy nhiên giới phân tích và truyền thông khu vực cho rằng, Indonesia sẽ rất thận trọng trong khả năng ủng hộ đề xuất của G7. Trước hết Indonesia muốn chờ xem liệu Trung Quốc và Ấn Độ có tham gia vào kế hoạch này hay không. Trong số các nước G20, Trung Quốc và Ấn Độ coi trọng vấn đề này hơn Indonesia, vì Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga. Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng ý tưởng áp giá trần với dầu Nga là "vấn đề rất phức tạp".

Ông Bhima Yudhistira- Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật có trụ sở tại Jakarta cho rằng, với nguyên tắc chính sách đối ngoại độc lập và tích cực của Indonesia, nước này có thể sẽ giữ lập trường cân bằng giữa phương Tây hoặc Nga. Tham gia kế hoạch áp giá trần có thể gây căng thẳng với Nga, điều mà Indonesia không mong muốn.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati tháng trước cũng cho rằng việc áp trần giá dầu của Nga có thể không giải quyết được các vấn đề năng lượng của thế giới.

“Đặt giá trần sẽ không giải quyết được nguồn cung năng lượng vì vấn đề ở đây là số lượng không đủ so với nhu cầu. Cách biệt cung cầu trong lĩnh vực năng lượng sẽ nới rộng khi các nước châu Âu hay Mỹ vào mùa đông, nhu cầu sử dụng dầu sẽ tăng cao. Đó là lý do tại sao Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi đến thăm Ucraine nhấn mạnh rằng phải chấm dứt xung đột vì đây là nguồn gốc của vấn đề”, ông Indrawati nói.

Ông Muhammad Faisal, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Cải cách Kinh tế có trụ sở tại Jakarta cho rằng, kế hoạch áp giá trần cũng sẽ phải tính đến phản ứng của Nga. Nếu Nga đồng ý với mức giá giới hạn - điều khó có khả năng xảy ra, Indonesia và các thành viên G20 khác sẽ được hưởng lợi vì giá dầu sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới giá dầu như quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hay suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu sử dụng dầu. Nếu nhu cầu dầu toàn cầu giảm do suy thoái, giá dầu cũng sẽ rẻ hơn. Do đó ông Faisal cho rằng, Indonesia sẽ phải tính toán các yếu tố trong việc đưa ra quyết định, trong đó có cân nhắc lập trường chính trị trung lập bấy lâu nay của mình./.