“Nga không phù hợp với định nghĩa quốc gia tài trợ khủng bố theo luật pháp Mỹ”, Đại sứ Mỹ tại Văn phòng Tư pháp hình sự toàn cầu Beth Van Schaack cho biết.

Theo bà Schaack, việc chỉ định như vậy cũng là không cần thiết, vì Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt ở mức độ đáng kinh ngạc”.

Mỹ hiện cũng đang “nghiên cứu các khái niệm tiềm năng khác”, cho phép Washington áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Bình luận của bà Schaack đưa ra sau khi Nghi viện châu Âu thông qua nghị quyết coi Nga là “nhà nước tài trợ khủng bố”.

Nghị quyết nhận được 494 phiếu thuận, 58 phiếu chống và 55 phiếu trắng. Nghị quyết nhấn mạnh các cuộc tấn công của Nga nhằm vào dân thường Ukraine và phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự là “tội ác chiến tranh” và “hành động khủng bố”. Văn bản cũng kêu gọi EU xây dựng cơ chế pháp lý liên quan cho phép đưa vào danh sách đen không chỉ các cá nhân hay tổ chức, mà là toàn bộ quốc gia.

Dù vậy, Nghị quyết chỉ mạng tính biểu tượng và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Bà Van Schaack nói rằng Mỹ “quan tâm đến những gì EU làm và nghị quyết mà Nghị viện châu Âu vừa thông qua là “có trọng lượng”.

Ngày 23/11, Bộ ngoại giao Nga đã chỉ trích việc Nghị viện châu Âu đưa Nga vào danh sách “nhà nước tài trợ khủng bố”, cho rằng động thái này là cách để phương Tây hợp pháp hóa “các biện pháp cưỡng chế đơn phương” chống lại các nước mà họ cho là đối thủ./.