Tỷ lệ lạm phát trong tháng 7, mặc dù vẫn cao, đã giảm đáng kể từ mức kỷ lục 9,1% trong tháng 6 và điều này làm dấy lên hy vọng rằng lạm phát đã chạm đỉnh ở Mỹ. Mức lạm phát này được công bố cùng 1 vài chỉ số khác cho thấy giá cả các mặt hàng ở Mỹ đang giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 7 cơ bản không tăng so với mức tăng 1,3% trong tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm, giảm xuống 0,3% so với mức 0,7% trong tháng 6.
Lạm phát đã gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Mỹ. Không tính tới chi phí cho thực phẩm và năng lượng, các loại giá cả ở Mỹ đã tăng 5,9% tính từ đầu năm cho tới cuối tháng 7, tương đương với số liệu của tháng 6.
Giá xăng ở Mỹ đã giảm đáng kể sau khi đạt mức trung bình 5 USD/gallon giữa tháng 6 vừa qua và hiện đang ở mức 4 USD/gallon, nhiều hơn 1 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả các mặt hàng khác bao gồm đồng, lúa mỳ và ngô cũng giảm trong những tuần qua sau khi tăng đáng kể kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga- Ukraine.
Bộ Lao động Mỹ cho biết giá xăng đã giảm 7,7% trong tháng 7 để bù vào mức tăng giá thực phẩm và nhà ở. Giá thực phẩm ở Mỹ đã tăng 10,9% so với năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 1 năm kể từ cuối tháng 5/1979.
Giá năng lượng và thực phẩm thường không ổn định và có thể sẽ lại tăng. Giá của các mặt hàng thiết yếu khác vẫn tiếp tục tăng bao gồm nhà ở và dịch vụ như chăm sóc y tế và có thể không giảm nhanh như giá dầu hoặc ngô.
Lạm phát giảm sẽ tạo thuận lợi cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi trong tuần qua Dự luật giảm lạm phát trị giá 739 tỷ USD vừa được Thượng viện thông qua. Dự luận này nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong khi giảm chi phí chăm sóc y tế đồng thời tăng thuế đối với các tập đoàn lớn. Dự luật này được thông qua sau khi chính phủ Mỹ thông báo 528 nghìn việc làm mới đã được tạo ra trong tháng 7, cao hơn nhiều so với dự kiến và cũng là yếu tố có lợi cho Tổng thống Biden và chính quyền của ông trước cuộc bầu cử quốc hội nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn nóng cùng với lạm phát vẫn cao sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang có thể tiếp tục nâng cao lãi suất cơ bản nhằm tìm cách đưa lạm phát quay trở lại mức 2%.
Lạm phát cao là mặt trái của tốc độ tăng trưởng nhanh khi Mỹ dần phục hồi từ đại dịch Covid-19 cùng với mức lãi suất cơ bản giảm và các biện pháp kích thích của chính phủ. Cục Dự trữ Liên bang hiện đang phải đối mặt với thách thức thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm làm nguội thị trường việc làm cũng như làm chậm lại nhu cầu, đủ để ứng phó với lạm phát, nhưng các biện pháp này được đánh giá là chưa đủ để tránh khỏi suy thoái.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7 và sẽ tiếp tục nhóm họp trong tháng 9 để cân nhắc có tiếp tục tăng hay không. Chủ tịch FED, ông Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương muốn thấy bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về việc sức ép giá cả giảm trước khi làm chậm lại hoặc ngừng tăng lãi suất cơ bản./.