Theo ông Szijjarto, gói trừng phạt tiếp theo của EU sẽ liên quan đến công nghệ hạt nhân và đây là một lằn ranh đỏ khác đối với Hungary.
Trước đó, trong bài phát biểu tại cuộc họp cấp Bộ trưởng của Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế ở Mỹ vào cuối tháng trước, ông Szijjarto cho rằng, năng lượng hạt nhân đã trở thành một vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia. Cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của EU không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay mà nó còn góp phần khiến cộng đồng EU trở nên quá lười biếng, bỏ bê các khoản đầu tư quan trọng và phát triển cơ sở hạ tầng. Mọi người không nên chỉ nhìn vào vụ thảm họa hạt nhân Chernobyl và Fukushima mà quay lưng lại ngành năng lượng này. Nó chẳng khác nào chúng ta nên từ bỏ ô tô chỉ vì phải chứng kiến một vụ tại nạn trên đường bộ.
Theo ông Szijjarto, lĩnh vực năng lượng hạt nhân nên được miễn trừ khỏi các cuộc tranh luận về gói trừng phạt.
Ông Szijjarto lưu ý rằng khi gói trừng phạt đầu tiên chống lại Nga đang được chuẩn bị, đã có các cuộc nói chuyện ở Brussels rằng các gói trừng phạt có thể mang lại hai kết quả: một mặt, nó sẽ đưa nền kinh tế Nga sụp đổ, và mặt khác, nó sẽ nhanh chóng đưa chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, cuộc chiến đã diễn ra trong 8 tháng và vẫn gây ra những hậu quả tàn khốc hơn bao giờ hết. Nó cũng đang khiến nền kinh tế châu Âu gặp nhiều khó khăn.
Ông Szijjarto nhấn mạnh, khi các quốc gia có thể tạo ra năng lượng mà họ tiêu thụ, nó sẽ là giải pháp tốt nhất để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra. Đối với Hungary, cơ hội để làm được điều này là sử dụng năng lượng hạt nhân, bằng việc nâng cấp nhà máy hạt nhân Paks. Do đó, các lệnh trừng phạt liên quan đến công nghệ hạt nhân nên được loại bỏ./.