Ngày 9/5/1945, đại diện của Đức quốc xã đã ký văn bản đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh, chấm dứt Đại chiến thế giới lần thứ hai tại châu Âu.
Sự hy sinh cao cả
Sau khi chiếm gần hết châu Âu, rạng sáng ngày 22/6/l941 phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Theo kế hoạch “Barbarossa”, phát xít Đức hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Liên Xô và “bắt thế giới đầu hàng”.
Hitler đã sử dụng lực lượng lớn với 8,5 triệu người (214 sư đoàn), trong đó 5,5 triệu quân (190 sư đoàn) được phái sang mặt trận Xô – Đức. Tiềm lực quân sự của phát xít Đức cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 1941, Đức tập trung tại mặt trận phía Đông 10.000 máy bay và gần 6.000 xe tăng.
Theo thống kê 10 nước tham chiến chủ yếu, đã có gần 60 triệu người chết bao gồm cả quân đội và nhân dân. Trong đó Liên Xô là nước thiệt hại nhiều nhất với 27 triệu người chiếm 16,2% dân số; Mỹ là nước thiệt hại ít nhất với 300 ngàn người chiếm 0,3% dân số. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Peter Struck mới đây, đã khẳng định ngày 8/5/1945 là ngày mà nước Đức được cứu khỏi bàn tay của chủ nghĩa phát xít, trong đó có công lao to lớn của nhân dân Xô viết.
Cho đến nay tuy vẫn còn những đánh giá khác nhau, nhưng sự thật lịch sử đã chứng minh: quân đội và nhân dân Liên Xô là người đóng vai trò quyết định nhất trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Điều đó được thể hiện ở những điểm rất cơ bản sau:
Một là, Quân đội và nhân dân Liên Xô đã chịu gánh nặng lớn nhất của chiến tranh và tiêu diệt đại bộ phận lực lượng phát xít trên mặt trận Xô - Đức: 10/14 triệu người, 48.000 xe tăng, 77.000 máy bay và hàng triệu vũ khí các loại.
Hai là, Chiến thắng của Liên Xô làm thay đổi cục diện chiến tranh góp phần giành thắng lợi cho các lực lượng Đồng minh chống phát xít. Sau thất bại của kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” vào Moscow, phát xít Đức buộc phải chuyển sang phòng thủ, với 403.000 quân bị giết, bị thương và bị bắt làm tù binh.
Chiến thắng ở Moscow đã làm thay đổi cán cân lực lượng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai theo hướng có lợi cho các lực lượng Đồng minh chống phát xít và làm cho uy tín của Liên Xô được tăng cao. Sau chiến dịch Kursk, quân đội Liên Xô chuyển sang phản công, giải phóng hoàn toàn đất nước Xô Viết, tiến tới biên giới phía Tây.
Đến ngày 6/6/1944, khi quân đội phát xít Đức bị đánh đuổi hoàn toàn ra khỏi lãnh thổ Liên Xô và Hồng quân Liên Xô bắt đầu chiến dịch giải phóng lãnh thổ các nước Đông Âu, truy quét phát xít Đức đến tận sào huyệt của chúng thì Liên quân Anh - Mỹ mới vội vàng mở “Mặt trận thứ hai” (chiến dịch Overlord) do Đại tướng Dwight D. Eisenhower chỉ huy, chia sẻ gánh nặng chiến tranh với Liên Xô.
Đây là cuộc đổ bộ lớn nhất trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, với 1,5 triệu người nhưng chỉ chiến đấu với 560 nghìn quân phát xít Đức. Trong khi đó, tại mặt trận phía Đông, Liên Xô đã phải huy động tới 4,5 triệu người để chống lại 5,5 triệu quân phát xít Đức.
>> Xem thêm: Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2
Cuộc đổ bộ vào Normandie và các cuộc tiến công sau đó của quân đội Anh, Mỹ vào Pháp và Bỉ tuy là chiến dịch có ý nghĩa lớn về chính trị và chiến lược nhưng không thể có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn diễn biến và kết cục chiến tranh. Điều cốt lõi là thắng lợi của chiến dịch là Hồng quân Liên Xô đã làm cho nước Đức Hitler mất khả năng chi viện cho chiến trường Tây Âu.
Chính ông Winston Churchill, một người không có cảm tình với cộng sản và thù ghét Liên Xô, nhưng cũng đã phải tuyên bố tại hạ nghị viện Anh ngày 28/9/1944 rằng: “Chính quân đội Nga đã rút ruột bộ máy chiến tranh của Đức và hiện nay đang kìm lại trên chiến trường của họ một bộ phận lực lượng địch rất lớn”.
Và những bài học trường tồn
Những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít 70 năm qua vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, cũng như những giá trị của Ngày chiến thắng 9/5 sẽ vẫn luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới bảo vệ và mãi mãi trường tồn.
Bài học thứ hai, cần thấy rằng nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến đấu chống phát xít đã tổn thất rất nặng nề và làm nên một xứ mệnh lịch sử, cứu loài người thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, và sau chiến thắng ấy, nhân dân Liên Xô trở thành thành trì của Chủ nghĩa xã hội, đặt ra một xu hướng phát triển của các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dẫn đến sụp đổ từng phần của chủ nghĩa thực dân, đề quốc. Vì thế, những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít hơn 70 mươi năm trước vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày nay thời thế đã đổi thay, thế giới đã và đang bước vào thời đại toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, đa dạng với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít mới đang hình thành và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như: chạy đua vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố…
Ngay từ những ngày đầu khi nước ta “đứng về phe đồng minh” đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, Việt Nam đã ủng hộ nhân dân Liên Xô và các lực lượng chống phát xít. Chiến thắng phát xít Đức đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc.
Với tầm vóc lịch sử to lớn của chiến thắng phát xít Đức, mặc dù còn có sự bất đồng trong quan hệ giữa các nước, nhưng theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (17/3) cho biết thì vẫn có hơn 50 phái đoàn, với 30 nguyên thủ quốc gia xác nhận sẽ tham gia lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 tại Moscow theo lời mời của LB Nga. Tại lễ kỷ niệm trọng thể này sẽ có khoảng 80.000 binh sỹ sẽ tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ và các thành phố khác của LB Nga.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ: Nhờ thành quả của chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tận dụng tốt thời cơ ấy và làm cuộc cách mạng tháng 8 thành công, mở ra một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên dân tộc Việt Nam phát triển trong hòa bình, độc lập, tự do và đó là một tiền đề vững chắc để làm nên một Điện Biên lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 và đang tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thành công như ngày nay./.
>> Xem thêm: Ngọn cờ bách chiến của Cách mạng tháng Mười Nga