Một cuộc điều tra mật của Thượng viện Mỹ đối với chương trình thẩm vấn của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu 11/9 chỉ ra rằng, cơ quan này đã cố tình lừa gạt Bộ Tư pháp Mỹ để tạo hành lang pháp lý cho việc sử dụng các kỹ thuật tra khảo, theo một bản tin của hãng tin Mỹ McClatchy.
Bên trong trụ sở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (ảnh: AFP) |
Điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện đối với chương trình thẩm vấn của chính quyền Bush (giai đoạn 11/9/2001 - 2006) cho thấy CIA đã sử dụng các phương pháp thẩm tra không được Bộ Tư pháp Mỹ phê chuẩn. Ủy ban này nhận thấy “các phân tích pháp lý của Bộ Tư pháp đã dựa trên các thông tin khiếm khuyết do CIA cung cấp”, theo bản tin của McClatchy.
Lượng tù nhân bị tra khảo bằng phương pháp đặc biệt
Cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ, với sản phẩm là một bản báo cáo dày tới 6.300 trang, cũng phát hiện ra rằng CIA đã bóp méo số lượng người bị họ giam giữ tại các nhà tù thuộc diện “điểm đen” trên khắp thế giới cũng như bóp méo số lượng người bị thẩm vấn bằng các “kỹ thuật tăng cường” mà nhiều khi lên tới mức tra tấn. CIA tuyên bố chỉ có khoảng 30 nghi phạm là phải chịu hình thức tra khảo như vậy.
>> Xem thêm: Nước Mỹ và cơn nghiện tình báo
“CIA đang cố gắng giảm thiểu các tổn hại do họ gây ra. Họ đang cố gắng cho rằng đây là một chương trình rất chọn lọc mục tiêu, nhưng thực tế không phải vậy,” một cựu quan chức Mỹ thân cận với cuộc điều tra kéo dài 4 năm và ngốn hàng triệu USD của Ủy ban Thượng viện.
Nguồn tin giấu tên của hãng McClatchy cho biết báo cáo của Thượng viện đã vạch ra 20 kết luận chính về chương trình tra tấn hậu 11/9, theo đó chương trình này đã cố tình qua mặt Nhà Trắng, Quốc hội và sự giám sát liên ngành.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Nữ Chủ tịch của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nhanh chóng lên án tin tức của hãng McClatchy về các kết luận mật trong cuộc điều tra do Ủy ban của bà tiến hành.
Trong một thông cáo chuẩn bị từ trước, bà Feinstein nói rằng “nếu ai đó phát tán bất kỳ phần nào của báo cáo mật này thì người đó đã vi phạm luật và cần phải bị truy tố”. Bà cho hay, “Ủy ban đang điều tra việc tiết lộ ngoài thẩm quyền này và tôi định đưa vấn đề ra Bộ Tư pháp”.
Quyền được biết sự thật
Hãng McClatchy đã phản ứng lại đe dọa của bà Feinstein. Họ khẳng định uy tín báo chí của mình và quyền của công chúng được biết diện mạo “bệnh bí mật và tự phụ kinh niên của chính phủ”.
>> Đọc thêm: 5 điều lãnh đạo Mỹ tin nhưng không bao giờ nói
“Chúng tôi thất vọng là Thượng nghị sĩ Feinstein lên kế hoạch lôi Bộ Tư pháp vào điều tra hoạt động báo chí của chúng tôi,” James Asher, trưởng phân xã Washington của hãng McClatchy nói. “Chúng tôi tin rằng người Mỹ cần biết điều gì mà CIA có thể đã làm với các nghi phạm bị bắt giữ và ai phải chịu trách nhiệm về bất cứ thực tế nào đáng nghi vấn – đây là lý do chúng tôi đã theo đuổi dòng tin về vụ này một cách quyết liệt”.
Tự bào chữa
Để biện minh cho các phương pháp thẩm vấn của mình, CIA đã nói với Cục Tư vấn Pháp lý của Bộ Tư pháp Mỹ rằng hành động sử dụng lặp lại biện pháp tra tấn “trấn nước” “chẳng có gì đáng kể”, vì các kỹ thuật này nói chung mất hiệu lực chỉ sau vài lần lặp lại.
CIA được cho là đã trấn nước với các tù nhân Abu Zubaydah và Khalid Sheikh Mohammed lần lượt là 83 và 183 lần. Và họ không phải là các nạn nhân duy nhất của hình thức trấn nước và các phương pháp tra khảo tàn bạo khác, như đôi lúc đã được phản ánh.
Trong một bản ghi nhớ năm 2002 biện minh cho các thủ thuật lấy cung như trên, Cục Tư vấn Pháp lý của Bộ Tư pháp nói rằng họ không thấy các “kỹ thuật thẩm tra cứng rắn” là bất hợp pháp chiểu theo luật Mỹ và luật quốc tế về cấm tra tấn nếu dựa trên các thông tin do CIA cung cấp.
>> Xem thêm: Chính sách can thiệp của Mỹ và chủ nghĩa khủng bố
Một báo cáo năm 2004 của Tổng thanh tra CIA cho thấy CIA đã vượt quá giới hạn pháp lý cho phép trong hoạt động thẩm tra. Cơ quan thanh tra của CIA vào thời điểm đó nói rằng việc “tiếp tục áp dụng ý kiến trên của Bộ Tư pháp” là đáng nghi vấn trong bối cảnh CIA đã nói với Bộ Tư pháp rằng họ sẽ sử dụng hình thức trấn nước giống như là cách mà quân nhân Mỹ được huấn luyện để xử lý các tù binh đối phương. Báo cáo của Tổng thanh tra CIA cũng thấy CIA đã sử dụng trấn nước theo một cách “khác” với lối huấn luyện của quân đội Mỹ.
Hồ sơ mập mờ
Ngoài ra, CIA không thống kê toàn bộ các tù nhân bị bắt dưới chương trình tra khảo hậu 11/9.
McClatchy dẫn báo cáo của Thượng viện Mỹ: “CIA đã không thực hiện việc kiểm kê toàn diện và chính xác số lượng cá nhân bị bắt giữ và và họ đã giam giữ những cá nhân không đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý để bị bắt giữ”, cuộc điều tra của Thượng viện kết luận. “Các tuyên bố của CIA về số lượng người bị giam giữ và chịu các hình thức thẩm vấn tăng cường là không chính xác”.
“Các hồ sơ của CIA là mập mờ, thiếu nhất quán và đôi lúc không chính xác”, một cựu quan chức Mỹ nói với hãng tin McClatchy.
Trong một báo cáo riêng rẽ do chi nhánh al Jazeera ở Mỹ đưa ra vào hôm 10/4, các nguồn tin chính phủ Mỹ tuyên bố báo cáo của Thượng viện Mỹ cũng phát hiện nước Anh đã cho phép Mỹ duy trì một nhà tù “đen” trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương nhằm bí mật giam giữ các nghi phạm mà không phải chịu trách nhiệm gì.
Nhà tù Diego Garcia giam giữ một số tù nhân có “giá trị cao” và được vận hành trong mối hợp tác chặt chẽ với chính phủ Anh, vẫn theo al Jazeera chi nhánh Mỹ.
Trước đó, một số quan chức Mỹ giấu tên có biết về vụ điều tra của Thượng viện Mỹ đã nói với tờ Washington Post rằng các quan chức Mỹ đã nói dối chính phủ và công chúng về hiệu quả của các hình thức tra tấn trong việc thu thập các thông tin tin cậy và có giá trị từ các nghi phạm.
>> Đọc thêm: Tình báo mạng của Mỹ nhìn xuyên thấu đối thủ Trung Quốc
Tuần trước, Ủy ban Tình báo Thượng viện đã bỏ phiếu để gửi bản tóm tắt dài 480 trang của báo cáo điều tra, các phát hiện cùng các kết luận sang Nhà Trắng để phục vụ khả năng giải mật.
Ủy ban Tình báo Thượng viện và CIA trong các tuần vừa qua đã “lời qua tiếng lại” về các cáo buộc gián điệp, xâm nhập và bóp méo thông tin. Hai cơ quan này vốn hậm hực với nhau kể từ khi Thượng viện tiến hành điều tra vào năm 2009./.