Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, trong 30 năm, Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á đã thảo luận về các vấn đề cấp bách liên quan đến tăng cường an ninh và ổn định trong toàn bộ khu vực châu Á rộng lớn. Cuộc họp hôm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế và chính trị toàn cầu có những thay đổi lớn.
Tổng thống Putin chỉ rõ: “Thế giới đang thực sự trở nên đa cực, và châu Á đang đóng một vai trò rất đáng chú ý, nếu không muốn nói là đóng vai trò quan trọng trong việc này, nơi các trung tâm quyền lực mới đang tăng cường sức mạnh”.
Theo nhà lãnh đạo Nga, các nước trong khu vực châu Á là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới. Tại đây, các liên kết hội nhập như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Liên minh Kinh tế Á - Âu hoạt động năng động và có kết quả tốt. Nga cũng tham gia tích cực vào tất cả các quá trình này.
Ông Putin nhấn mạnh, Nga ủng hộ sự phát triển và thịnh vượng của châu Á và vì mục tiêu này tạo ra một không gian rộng mở cho hợp tác thương mại và đầu tư cùng có lợi, nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Cùng với các quốc gia châu Á khác, Nga đang làm mọi thứ để hình thành một hệ thống an ninh bình đẳng và không thể chia cắt dựa trên các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng, thế giới đang phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách, bao gồm sự biến động tăng giá với các nguồn năng lượng, thực phẩm, phân bón, nguyên liệu thô và các hàng hóa quan trọng khác. Điều này dẫn đến sự suy giảm chất lượng cuộc sống ở các nước phát triển và đang phát triển. Hơn nữa, có một mối đe dọa thực sự về nạn đói và biến động xã hội quy mô lớn, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất.
Về phần mình, Nga đang nỗ lực hết sức để cung cấp các sản phẩm quan trọng cho các quốc gia có nhu cầu. Tổng thống Putin kêu gọi loại bỏ các rào cản trong lĩnh vực này:
“Chúng tôi kêu gọi loại bỏ tất cả các rào cản nhân tạo, bất hợp pháp để khôi phục hoạt động bình thường của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức cấp bách về an ninh lương thực”.
Ngoài ra, ông cho rằng, giống như nhiều đối tác ở châu Á, Nga tin rằng cần phải khởi động xem xét lại các nguyên tắc của hệ thống tài chính toàn cầu, ngụ ý về sự thống trị của một loại tiền tệ, được coi là tiền dự trữ trên thế giới, qua đó thu hút hết các dòng vốn và công nghệ cho nước sở hữu.
Theo Tổng thống Putin, bước đầu tiên, Nga nhận thấy việc sử dụng tiền tệ quốc gia tích cực hơn trong các thanh toán lẫn nhau. Các biện pháp như vậy chắc chắn sẽ giúp củng cố chủ quyền tài chính của các quốc gia, phát triển thị trường vốn trong nước và hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn./.