Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực không chỉ trong kinh tế mà cả lĩnh vực an ninh, Mỹ cũng vừa tuyên bố khoản hỗ trợ lớn chưa từng có đối với khu vực, cam kết của Australia sẽ không chỉ củng cố quan hệ của nước này với khu vực mà còn cho thấy cuộc cạnh tranh địa chiến lược đang ngày càng quyết liệt tại Thái Bình Dương.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Australia ngày hôm nay (14/7) khi đang ở Fiji tham dự Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, thông điệp mà ông chuyển đến khu vực khi tham dự Diễn đàn, đó là Australia đã quay trở lại gắn kết với các quốc gia Thái Bình Dương.
Để thể hiện cam kết này, Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các vấn đề trọng tâm của khu vực bao gồm biến đổi khí hậu, hạ tầng cơ sở và an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ tăng thêm 525 triệu AUD nguồn vốn viện trợ phát triển cho các nước trong khu vực trong lúc đẩy mạnh hợp tác nghị viện, gia tăng sự kết nối của người dân. Ngoài ra Australia cũng muốn có thêm nhiều lao động Thái Bình Dương sang nước này làm việc tạm thời hoặc có thể là lâu dài.
Ngày hôm qua (13/7), sau khi đặt chân đến Fiji, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, sự hỗ trợ mà nước này dành cho khu vực Thái Bình Dương không đi kèm bất kỳ điều kiện gì và là trách nhiệm, là mối quan tâm của Australia.
“Sự hỗ trợ của chúng tôi đối với khu vực không đi kèm bất kỳ điều kiện gì. Chúng tôi đưa ra các hỗ trợ này vì chúng tôi hiểu về trách nhiệm của mình với tư cách là một nền kinh tế phát triển trong khu vực nên có thể hỗ trợ các nước Thái Bình Dương láng giềng. Đây là mối quan tâm của Australia và vì vậy chúng tôi nỗ lực để điều này có thể diễn ra”, ông Anthony Albanese nói.
Cũng vào ngày hôm qua, trong cuộc gặp Thủ tướng Fiji Josaia Bainimarama, Thủ tướng Australia cũng công bố khoản trị giá 86 triệu AUD xây dựng Trung tâm dịch vụ thiết yếu hàng hải để nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, bảo vệ ngành đánh bắt cá và khả năng cứu hộ của hải quân và lực lượng ven biển.
Mặc dù Australia chưa từng khẳng định tham gia vào cuộc cạnh tranh địa chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương song những cam kết mà nước này vừa đưa ra cho thấy Australia không thể “bình chân như vại” khi mà Trung Quốc đang không chỉ đẩy mạnh giao lưu kinh tế mà còn tăng cường hợp tác trong hàng loạt các vấn đề trong đó có an ninh với nhiều quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng Albanese thừa nhận đang có cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này Australia muốn can dự một cách tích cực và có tính xây dựng trong khi tôn trọng chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và ứng xử dựa trên sự tôn trọng./.