Tại lễ bế mạc Hội nghị G20 ngày 16/11 ở Bali, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức trao chiếc búa biểu tượng cho vai trò Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ bắt đầu từ ngày 1/12 tới và kéo dài trong cả năm 2023. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chúc mừng nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20 2022 Indonesia đã nỗ lực để mang tới thành công trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Ấn Độ cho biết, việc đảm nhận chức vụ Chủ tịch G20 là niềm tự hào của mỗi người dân Ấn Độ: “Ấn Độ sẽ tổ chức các sự kiện của G20 tại các thành phố và bang khác nhau để biến G20 trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi toàn cầu”.
Theo Thủ tướng Modi, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ mang tính bao trùm, tham vọng, quyết đoán và định hướng hành động. Trong vòng 1 năm tới, Ấn Độ sẽ nỗ lực để G20 hoạt động như một động lực chính của toàn cầu nhằm thúc đẩy hành động tập thể.
Trình bày thêm về vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ, Thủ tướng Modi cho biết, nước này đảm nhiệm vai trò chủ trì G20 vào thời điểm thế giới đang cùng lúc vật lộn với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, giá lương thực và năng lượng tăng cao, và những tác động, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19. Và tại thời điểm đó “thế giới đang nhìn vào G20 với niềm hy vọng” Nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Modi cũng cho rằng G20 phải truyền tải đi thông điệp mạnh mẽ ủng hộ hòa bình và hòa hợp. Tất cả các ưu tiên này được thể hiện đầy đủ trong chủ đề của Năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ. Đó là “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ nhấn mạnh mục tiêu vì sự tăng trưởng công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới. Điều này đặt trong bối cảnh loài người đang vượt qua giai đoạn đầy biến động hiện tại hướng tới sự bền vững, toàn diện, có trách nhiệm và bao trùm. Ấn Độ dự kiến sẽ tổ chức hơn 200 cuộc họp trên khắp cả nước trong thời gian đảm nhận vai trò này./.