Trong bối cảnh nhiều quốc gia hiện nay đối diện với tình trạng tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số, viễn cảnh trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vừa mở ra cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều thách thức.
Vào thời điểm ngày 15/11/2022, khi mà dân số thế giới vượt qua mốc 8 tỷ người theo tính toán của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ vẫn đang là cường quốc dân số thứ 2 toàn cầu, xếp sau Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 6 tháng tới, vị trí này sẽ thay đổi. Ấn Độ sẽ thay thế nước láng giềng ở vị trí dẫn đầu. Theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc, vào ngày 1/7/2023, dân số Ấn Độ sẽ vào khoảng 1,428 tỷ người, còn Trung Quốc sẽ là 1,425 tỷ người.
Tính toán này là có cơ sở bởi tổng tỷ suất sinh (TFR) của Ấn Độ hiện đứng ở con số 2. Mức sinh này thấp hơn mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1. Xu hướng giảm của tổng tỷ suất sinh đã xuất hiện ở Ấn Độ vài năm qua và người ta dự báo nó sẽ là xu hướng tất yếu. Điều này có nghĩa tốc độ tăng dân số của Ấn Độ đang chậm lại. Tính về độ tuổi, theo Báo cáo Dự báo Dân số được Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình nước này công bố năm 2020, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số Ấn Độ là từ 20 đến 24. Vào năm 2026, nhóm tuổi từ 25 đến 29 sẽ chiếm đa số. Còn vào năm 2036, nhóm tuổi lớn nhất trong cơ cấu dân số ở quốc gia Nam Á này sẽ là ngoài 30.
Điều này cho thấy dân số Ấn Độ vẫn đang tăng và tăng nhanh hơn Trung Quốc căn cứ vào các số liệu và tính toán. Điều này đặt trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang rơi vào cảnh già hóa dân số, tỷ lệ sinh sụt giảm đáng lo ngại, dân số trong tuổi lao động ngày càng co lại gây ra những hệ quả về kinh tế xã hội. Vì thế, nguồn nhân lực khổng lồ duy trì trong vài thập kỷ tới có thể được coi là lợi thế mà Ấn Độ đang sở hữu.
Các chuyên gia về dân số cũng như các nhà kinh tế học đang đưa ra các dự báo về triển vọng dân số của Ấn Độ cũng như các gợi ý đi kèm. Trong đó, trong vài thập kỷ tới, dân số Ấn Độ sẽ ở vào giai đoạn “Dân số Vàng” với số người trong độ tuổi lao động dồi dào nhất. Đây là lợi thế về nguồn lao động cũng như về thị trường để Ấn Độ thu hút các nhà đầu tư quốc tế tới làm ăn. Vào năm 2020, có khoảng 900 triệu người Ấn Độ, chiếm 67% tổng dân số, trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 64,9%.
Tuy nhiên, hơn 1,4 tỷ người cũng đặt ra bài toán nhiều thử thách cho Chính phủ Ấn Độ phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, giáo dục, an sinh xã hội … cho người dân không chỉ trong 1 mà là vài chục năm tới.
Động lực để Ấn Độ “thăng hạng” về kinh tế?
Về mặt lý thuyết, việc trở thành cường quốc về dân số hàng đầu cũng có nghĩa Ấn Độ đang nắm trong tay rất nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua về phát triển kinh tế. Ngoài việc có một lực lượng lao động dồi dào, trẻ, có chi phí phải chăng, Ấn Độ cũng đang trở thành một trong những thị trường nội địa quy mô lớn hàng đầu thế giới. Việc Ấn Độ đã vượt qua lần lượt Pháp, và Anh trong khoảng 6 năm vừa qua cho thấy nước này đang nắm giữ nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Việc tầng lớp trung lưu của nước này đang gia tăng về quy mô và chất lượng sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, yếu tố đảm bảo duy trì tăng trưởng về dài hạn. Tuy nhiên, cũng không thể nói chắc chắn rằng trở thành nước đứng đầu thế giới về dân số sẽ giúp Ấn Độ nâng cao vị thế của nền kinh tế. Yếu tố then chốt ở đây là cần đánh giá liệu lực lượng lao động khổng lồ của Ấn Độ có đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp quan trọng hay không.
Thực chất, dân số Ấn Độ đông nhưng lực lượng lao động vẫn nhiều về số lượng, và chưa thể nắm trong tay các kỹ năng, kỹ thuật hàng đầu trong các ngành công nghiệp. Ngoài ra, việc tạo ra đủ chỗ làm việc cho hàng trăm triệu người cũng là một bài toán khó qua từng năm. Nếu Ấn Độ dựa quá nhiều vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động thì tăng trưởng sẽ chỉ bùng nổ trong từng giai đoạn chứ chưa thể nâng cấp nền kinh tế lên. Một điểm quan trọng nữa để tạo ra đột phá về tăng trưởng là chính phủ Ấn Độ cần có định hướng, ưu đãi và đầu tư đúng thời điểm, đúng khu vực ưu tiên để kích thích nền kinh tế tự thân tăng trưởng.
Thách thức đối với Ấn Độ
Thực chất, thách thức của Ấn Độ là làm sao phải đảm bảo dân số hơn 1,4 tỷ người được đào tạo đầy đủ cả về kỹ năng và kiến thức và họ cần phải đóng góp vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngoài ra, tạo ra việc làm trong một nền kinh tế tri thức vốn cần ít tài nguyên và lao động giản đơn hơn cũng là áp lực.
Các thống kê cho thấy, Ấn Độ mới chỉ đầu tư khoảng 1,29% GDP hàng năm cho lĩnh vực y tế. Con số này thậm chí còn ít hơn 2 nước láng giềng là Bangladesh và Nepal. Trong khi đó, Trung Quốc dành khoảng 6,7% GDP hàng năm cho lĩnh vực này. Về giáo dục, Ấn Độ chi tiêu từ 3- 3,5 GDP cho ngành này, con số dưới mức trung bình toàn cầu là 4,2%.
Đối với vấn đề tạo việc làm, nếu Ấn Độ không tạo đủ việc làm và người lao động của nước này không được chuẩn bị đầy đủ cho những công việc sau này, thì các lợi thế về nhân khẩu học có thể biến thành một món nợ phải trả sau này.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, hiện tại, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tức là tỷ lệ của người lao động sẵn sàng làm việc ở Ấn Độ là 46%, thấp hơn so với 68% của Trung Quốc. Sở dĩ con số này thấp hơn là bởi tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở Ấn Độ rất thấp, chỉ 19% so với 62% ở Trung Quốc. Hồi tháng 8/2020, Viện Toàn cầu McKinsey có một báo cáo nhận định rằng Ấn Độ cần tạo ra 90 triệu việc làm phi nông nghiệp trong thời gian từ năm 2023 đến năm 2030 để có thể tiếp nhận được nguồn nhân lực mới gia nhập thị trường.
Đó còn chưa kể tới 30 triệu người lao động chuyển đổi từ lĩnh vực nông nghiệp sang các các khu vực phi nông nghiệp. Điều này có nghĩa Ấn Độ cần thêm 12 triệu chỗ làm mới ngoài ngành nông nghiệp bắt đầu từ năm tới. Con này gấp 3 lần số lượng việc làm mới tạo ra mỗi năm trong giai đoạn 2012 - 2018. Để tạo ra số chỗ làm mới với quy mô như vậy, kinh tế Ấn Độ cần duy trì tăng trưởng ở mức 8- 8,5% mỗi năm trong thập niên tới và tăng trưởng về năng suất lao động cũng phải giữ được ở mức từ 6,5 đến 7%. Những phân tích đó cho thấy không hề dễ dàng cho Ấn Độ nếu muốn tận dụng lợi thế từ dân số./.