Tại sự kiện, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định Indonesia cam kết thực hiện chuyển đổi năng lượng để đạt được sự phát triển bền vững và thiết lập nền kinh tế xanh; sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế đối với Indonesia có thể được nhân rộng ở các nước khác để giúp đáp ứng các mục tiêu chung về khí hậu. Lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Liên minh châu Âu… lên tiếng hoan nghênh, nhấn mạnh tầm quan trọng của JETP và cam kết giúp đỡ Indonesia đạt các mục tiêu về khí hậu, năng lượng.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ công bố JETP mới, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết: “Đối tác này nhằm hỗ trợ mục tiêu tham vọng của Indonesia về ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các đầu tư từ đối tác quốc tế trong đó huy động 20 tỷ USD cho Indonesia trong 3 – 5 năm tới”.

Thỏa thuận JETP mới sẽ giúp quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng công bằng, nhanh chóng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, than đá để mở rộng sang các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo. Quá trình chuyển đổi này không chỉ là hành động ứng phó biển đối khí hậu mạnh mẽ, giới hạn mức ấm lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, mà còn giúp nền kinh tế phát triển, tạo ra các việc làm có kỹ năng mới, giảm ô nhiễm, tạo dựng một tương lai tươi sáng, bền vững hơn cho người dân Indonesia. Thỏa thuận JETP mới sẽ tập trung quan tâm tới tất các người lao động, các cộng đồng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo họ được hỗ trợ thông qua các cam kết mạnh mẽ.

Nguồn tài chính cho JETP mới với Indonesia kết hợp từ các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, các khoản bảo lãnh, đầu tư công và tư…của các thành viên Nhóm đối tác quốc tế (IPG) do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt và từ Nhóm liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ). Ở giai đoạn đầu, Mỹ và Nhật Bản là những nước tài trợ chính.

Mô hình Đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) đã được giới thiệu lần đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về khí hậu (COP26) ở Glasgow năm 2021. Tại đây, Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) đã ký kết một thỏa thuận JETP mang tính đột phá, chiến lược trị giá 8,5 tỷ USD.

Là một trong 10 quốc gia phát khí thải hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, Indonesia đặt mục tiêu có thể ngừng sử dụng than đá vào năm 2035 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Indonesia là nước thứ hai công bố JETP và đây được coi là một cam kết chính trị lâu dài giữa chính phủ Indonesia và Nhóm IPG, gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Italy, Na Uy và Đan Mạch. /.