Phát biểu trên tạp chí Science Translational Medicine, các nhà khoa học kêu gọi tiến hành những thử nghiệm y khoa trên diện rộng do các công ty dược sẽ không tiến hành thử nghiệm vì các loại vitamin sẽ không được cấp bằng sáng chế.
Vitamin C đã được sử dụng từ lâu như một liệu pháp thay thế đối với bệnh ung thư. Vào những năm 1970, nhà hóa học Linus Pauling đã công bố rằng truyền vitamin C vào tĩnh mạch có hiệu quả trong điều trị ung thư. Tuy nhiên thử nghiệm y khoa dùng vitamin C bằng cách uống đã không thể phát huy hiệu quả và nghiên cứu phải ngừng lại.
Giờ đây, chúng ta đã biết rằng cơ thể con người nhanh chóng đào thải vitamin C khi nó được dùng theo đường uống. Ấy thế nhưng các nhà khoa học tại đại học Kansas cho rằng khi được tiêm vào cơ thể, vitamin C sẽ phân giải và có thể diệt các tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.
Tại phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tiêm vitamin C vào người mang tế bào ung thư buồng trứng, chuột và các bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng đã lâu. Họ thấy rằng các tế bào ung thư mẫn cảm với vitamin C còn những tế bào khỏe mạnh thì hoàn toàn bình thường.
Liệu pháp này cùng với các loại thuốc hóa trị tiêu chuẩn làm giảm sự phát triển của khối u trong các nghiên cứu ở chuột. Trong khi đó một lượng nhỏ bệnh nhân cho biết họ gặp ít phản ứng phụ hơn khi sử dụng vitamin C kèm theo hóa trị.
Khó có khả năng được cấp bằng sáng chế
Tiến sĩ Jeanne Drisko, thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết các bác sĩ chuyên khoa ung bướu ngày càng hứng thú hơn trong việc sử dụng vitamin C. Bà chia sẻ với tờ tin BBC, các bệnh nhân đang tìm kiếm những biện pháp an toàn và ít tốn kém hơn trong cuộc chiến chống ung thư.
Dựa vào các tài liệu y khoa trước đây và nghiên cứu khoa học ban đầu của chúng tôi thì truyền vitamin C qua tĩnh mạch hoàn toàn có khả năng này. Vấn đề tiềm ẩn là các công ty dược sẽ không tài trợ cho các thử nghiệm này vì các sản phẩm tự nhiên khó có được bằng sáng chế.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu - Qi Chen nói: "Vì vitamin C sẽ không được cấp bằng sáng chế nên các công ty dược sẽ chẳng đầu tư phát triển nó. Chúng tôi tin rằng đã tới lúc các tổ chức nghiên cứu hỗ trợ tích cực cho những thử nghiệm y khoa kĩ lưỡng và tỉ mỉ về việc truyền vitamin C vào tĩnh mạch".
Tiến sĩ Kat Arney - Giám đốc Truyền thông Khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh quốc khẳng định đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề sử dụng vitamin C chữa ung thư. Bà cho rằng chỉ với 22 bệnh nhân thì khó có thể nói liệu tiêm vitamin C liều cao có kéo dài sự sống hay không cần phải được đánh giá kĩ lưỡng trên diện rộng./.