"Hút 1 điếu thuốc lá làm giảm 5,5 phút tuổi thọ. Mỗi giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông. Vì vậy, hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn, bởi sau 8 giờ, nhịp tim trở lại bình thường; Sau 1 ngày, nồng độ CO trong máu trở lại bình thường, có nhiều oxy để nuôi cơ thể; Sau 6 tuần, các độc chất trong cơ thể dần được loại bỏ, phổi hoạt động tốt hơn…"

Đó là lời cảnh báo của PGS.TS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, bác sĩ Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai với những người nghiện thuốc lá. Bởi tác hại của khói thuốc lá không chỉ là những gì chúng ta nhìn thấy được.

hut_thuoc_la_fiqf.jpg
Ảnh: Đại đoàn kết

Tác hại của khói thuốc lá

Bác sĩ Vũ Văn Giáp cho biết, một số người cho rằng hút thuốc ảnh hưởng đến phổi là chính nhưng thực tế nó ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tim mạch, sức khỏe sinh sản, đường hô hấp, và gây ra nhiều bệnh ung thư (ngoài ung thư (UT) phổi còn UT khoang miệng, thanh quản, đường tiêu hóa, đại trực tràng). Với phụ nữ, khói thuốc còn giảm tỷ lệ thụ thai, dễ sinh non, nhẹ cân…

Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân (BN) khám ngoại trú mà đa phần là những bệnh nặng liên quan đến phổi tắc nghẽn mãn tính và UT phổi giai đoạn muộn do hút thuốc; Và điều trị nội trú cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp có liên quan đến thuốc lá. BN Đ. 37 tuổi, ở Thanh Hóa có tiền sử hút thuốc nhiều năm. Gần đây thấy đau bụng vùng thượng vị, sút cân, anh Đ. đến Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai khám và phát hiện 1 u phổi bên trái kích thước 2cm. Còn bệnh nhân N. 61 tuổi, ở Nghệ An hút thuốc lá hơn 30 năm (mỗi ngày hơn 1 bao). Cách đây 5 ngày, anh N. thấy mệt, cổ to, khó thở không hút được thuốc nữa mới đi khám thì phát hiện có khối u ở vùng trung thất (giữa tim và phổi).

PGS.TS Vũ Văn Giáp chỉ ra rằng, ngoài  hơn 7.000 chất độc hại trong thành phần của khói thuốc lá còn chứa nhựa hắc ín, 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), thuốc trừ sâu… và nicotin (chất gây nghiện). Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh về đường hô hấp… và thậm chí là chết người.

“Nếu nguy cơ chết vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện nặng. Nguy cơ gây UT phổi tăng gấp 10 lần. Tỷ lệ tử vong do UT phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao hơn gấp 22 lần so với không hút thuốc lá. Nguy cơ UT thực quản tăng gấp 8-10 lần và nguy cơ UT thanh quản cao cấp 12 lần so với người không hút thuốc lá. Nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2-4 lần. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2-3 lần và bệnh mạch máu ngoại biên…”, bác sĩ Giáp cảnh báo.

Ảnh hưởng của hút thuốc thụ động

Khói thuốc lá không những có hại tới người hút mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh (hút thuốc thụ động) - tức là hít phải khói thuốc trong môi trường không khí, trong đó bao gồm khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói thuốc do người hút thuốc thở ra. Khói thuốc lá thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân, dị tật, đẻ non. Hút thuốc lá thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và đột tử ở trẻ sơ sinh. “Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc với nồng độ cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Chính người hút thuốc cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi hít khói thuốc từ đầu thuốc đang cháy tỏa ra”, bác sĩ Giáp cho hay.

Từ bỏ thuốc lá không bao giờ là quá muộn

Vừa qua, thông tin cháu bé ở Trung Quốc bị tước đi quyền sống khi mới chỉ 5 tuổi đầu khiến cộng đồng mạng hoang mang khi biết nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng này chính là việc hút thuốc lá thụ động từ ông nội và bố trong căn nhà thân thương của mình.

Bác sĩ Đào Ngọc Đức, Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cảnh báo, có những người cả đời không hút thuốc lá nhưng lại mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc lá. Do vậy cần có quy định cụ thể để mọi người thực hiện được quyền sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người, ngoài việc cần giữ cơ thể khỏe mạnh bằng ăn uống điều độ và ăn đa dạng các loại thực phẩm, khi thấy triệu chứng khó thở, người dân cần khám định kỳ mỗi tháng/lần, sau đó giãn dần 3 tháng/lần… Những người xếp nhóm nguy cơ cao như ở nam giới trên 40 tuổi có tiền sử hút thuốc lá và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí, khói bụi cần chủ động đi khám, kiểm tra khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm UT phổi./.