Nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu của 218 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi, đã tham gia cuộc khảo sát CARES của bang Texas (Mỹ). Cuộc khảo sát đó bắt đầu vào tháng 10/2020 với mục tiêu đánh giá tình trạng kháng thể COVID-19 theo thời gian giữa người lớn và trẻ em ở Texas.
Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã được lấy mẫu máu 3 lần riêng biệt. Các mẫu được thu thập trước khi triển khai vaccine và trong các đợt lưu hành các biến thể Delta và Omicron. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã hoàn thành ba giai đoạn khác nhau của nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, 96% những người từng mắc COVID-19 tiếp tục có kháng thể cho đến 7 tháng sau đó. Lưu ý, nhóm trẻ tham gia nghiên cứu chưa từng tiêm vaccine nên kháng thể đo được là do từng nhiễm bệnh.
Giáo sư dịch tễ học Sarah Messiah từ Trường Y tế Công cộng UTHealth cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên từ cuộc khảo sát CARES của Texas bao gồm dữ liệu từ cả ba thời điểm trong cuộc khảo sát. Những phát hiện này rất quan trọng vì thông tin về khả năng sinh ra kháng thể chúng tôi thu thập được từ trẻ em bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoàn toàn như nhau, dù trẻ có triệu chứng hay không, bệnh nặng hay nhẹ, thời gian nhiễm bệnh, có cân nặng đạt chuẩn hay béo phì, hoặc giới tính nào. Mọi người đều giống nhau”.
Theo Giáo sư Messiah, kết quả của Texas CARES chỉ là một bước để tìm hiểu tác động của virus đối với trẻ em. Cho đến nay, 14 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
“Theo các tài liệu nghiên cứu về người lớn, sự lây nhiễm tự nhiên, cộng với khả năng bảo vệ của vaccine, mang lại sự bảo vệ tốt nhất chống lại COVID-19. Một số bậc cha mẹ cũng không nên lầm tưởng khi nghĩ rằng chỉ vì con họ đã bị nhiễm COVID-19 nên bây giờ chúng đã được bảo vệ và không cần phải chủng ngừa. Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi xác định được kháng thể tự nhiên tồn tại ít nhất 7 tháng ở trẻ em, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết ngưỡng bảo vệ tối đa là bao nhiêu. Do đó, vaccine vẫn là một công cụ tuyệt vời để cung cấp cho trẻ em sự bảo vệ bổ sung”, chuyên gia chia sẻ./.