Tối 18/1, tại Lễ ra mắt Mạng lưới nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần Việt Nam được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đã chia sẻ những góc nhìn đa chiều về trầm cảm, nhận diện các dấu hiệu của trầm cảm, những ảnh hưởng của trầm cảm, làm sao để hỗ trợ chăm sóc cho bản thân hoặc người thân khi mắc trầm cảm.
vov_mang_luoi_nang_cao_hieu_biet_ve_suc_khoe_tam_than_rsld.jpg
Mạng lưới nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần Việt Nam ra đời đáp ứng sự mong mỏi của những người quan tâm tới sức khỏe tâm thần. 

Clip: Một số thông tin về rối loạn trầm cảm

Cách nhận biết bệnh trầm cảm

PGS.TS Nguyễn Kim Việt - Nguyên Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần thuộc BV Bạch Mai cho biết, theo tuyên bố Alma Ata năm 1978, sức khỏe con người gồm có 3 thành phần: sức khỏe cơ thể, sức khỏe tâm thần và sức khỏe về mặt xã hội trong đó, sức khỏe tâm thần ngày càng đóng vai trò quan trọng.

"Trước kia, người ta cho rằng trầm cảm là do ma quỷ, thần thánh gây nên nhưng bây giờ chúng ta có thể khẳng định chắc chắn trầm cảm là bệnh lý của bộ não và là bệnh lý có thể điều trị được. Có rất nhiều triệu chứng có thể nhận biết trầm cảm, không ai giống ai, các triệu chứng cơ bản như khí sắc giảm, mất dần các ham muốn, triệu chứng mất năng lượng", PGS.TS Nguyễn Kim Việt nói.

Người mắc trầm cảm thường có một hoặc nhiều trong số các trải nghiệm sau (trong ít nhất 2 tuần liên tục):

Theo TS.Isaac Woods - Tiến sĩ Tâm lý học Đại học Memphis, Hoa Kỳ, trầm cảm có thể ảnh hưởng tới tất cả mọi người từ mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và địa vị trong xã hội. Bệnh trầm cảm khiến bộ não trở nên không tỉnh táo, người bệnh chỉ nhận thấy những tiêu cực trong cuộc sống, cảm thấy bí bách. 

MC Phan Anh chia sẻ: "Nhận thức của xã hội cần cải thiện hơn nữa. Chỉ cần nói là đi gặp bác sĩ tâm lý thôi thì mọi người đã nghĩ ngay đến chuyện bị điên, bị tâm thần. Thái độ miệt thị người trầm cảm còn tồn tại trong xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người mắc trầm cảm tìm đến cái chết. Nếu chúng ta có nhận thức đúng về trầm cảm thì mới có thể hỗ trợ người thân của mình nhanh hơn, kịp thời hơn".

Những ảnh hưởng của trầm cảm

Theo các chuyên gia, trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân, mà còn ảnh hưởng tới gia đình của người đó, tới xã hội, cộng đồng.

Đối với cá nhân, trầm cảm có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày như ảnh hưởng tới giấc ngủ, cảm giác ngon miệng, làm mất đi hứng thú với hầu hết các hoạt động, sở thích thường ngày, làm ảnh hưởng tới khả năng tự chăm sóc bản thân, làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội, tăng khả năng mắc các bệnh về thể chất như tiểu đường, tim mạch.

Về phía gia đình, trầm cảm ở các bà mẹ còn có thể ảnh hưởng tới phát triển của trẻ nhỏ, gia tăng áp lực, căng thẳng cho gia đình, ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống riêng của từng thành viên, ảnh hưởng tới kinh tế gia đình vì mất đi một nguồn nhân lực lao động.

Về mặt xã hội, trầm cảm là một trong những gánh nặng lớn về bệnh tật, và là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật và tử vong trên toàn thế giới.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho biết, bệnh trầm cảm rất phổ biến trong cộng đồng, có điều chúng ta chưa nhận biết để can thiệp kịp thời. Bệnh nhân đi khám tim, gan, phổi thì được nhưng không muốn đi khám sức khỏe tâm thần. Nhiều người khi tìm đến các chuyên gia thì các vấn đề đã trở nên nghiêm trọng. Chỉ có 5-10% bệnh nhân trầm cảm được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Các chuyên gia hy vọng, việc phát triển Mạng lưới nâng cao hiểu biết về sức khoẻ tâm thần Việt Nam với sự tham gia của các tổ chức và nhà chuyên môn trong ngành Tâm lý học Lâm sàng tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, xóa bỏ các định kiến về rối loạn tâm thần, đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp can thiệp, trị liệu hiệu quả trong việc điều trị sức khỏe tâm thần./.