Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện tốt chương trình tiêm chủng trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương từ năm 1981 đến nay. Nhiều bệnh truyền nhiễm đã được loại bỏ và hạn chế tỷ lệ mắc đến mức thấp nhất, nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng bệnh được nâng lên rõ rệt. Từ ngày 25 đến 30/4, Tuần lễ tiêm chủng đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng do Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động và mở rộng độ bao phủ của việc tiêm chủng.

Hiện nay, hơn 30 bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng được bằng vaccine. Nhờ phòng bệnh bằng vaccine, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi của nước ta đã giảm đáng kể, từ 56 phần nghìn năm 1990 xuống còn 17 phần nghìn năm 2007. Những con số đó cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng vaccine ngăn ngừa bệnh tật cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Tiêm chủng mở rộng được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985. Nhờ tiêm chủng mở rộng, nước ta đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012. Hệ thống cơ sở y tế dự phòng đã đến tận huyện, xã, ngày càng nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Người dân ở Hương Khê được tuyên truyền bằng loa phát thanh về tiêm phòng nên ai có con nhỏ đều rất nhớ đưa đi tiêm: “Sáng mai mà tiêm thì chiều nay họ phát trên loa để sáng mai ai có con 1,2 tuổi thì đem đi tiêm. Tiêm cho đủ mấy mũi, các bệnh như hò gà, bại liệt hay là viêm gan B. Tiêm theo định kỳ. Ai cũng đem con đi tiêm để ngừa bệnh”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh, nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa chưa được tuyên truyền rõ về các loại vaccine phòng bệnh. Nhiều người chỉ đưa trẻ đi tiêm những vaccine được miễn phí nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chưa được tiếp cận với những loại vaccine mới. Chị Nguyễn Thị Thuận ở huyện Phù Yên, Sơn La đưa con đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương thắc mắc ở huyện tôi ai có con nhỏ đều cho đi tiêm. Con tôi đã được tiêm phòng 2 mũi, nhưng tôi cũng không rõ là tiêm phòng bệnh gì. “Cứ hàng tháng mình đến thôi chứ họ chỉ nhắc lần đầu tiên. Bác sỹ không nói gì chỉ gọi vào tiêm thôi. Ở vùng sâu vùng xa thì cũng cần có người tuyên truyền để các bà mẹ đi tiêm phòng cho con mình - Chị Thuận nói.

Bác sỹ Phạm Nhật An, Phó Giám đốc, Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm, có nhiều trường hợp tử vong do bố mẹ chưa nhận thức đúng và đủ về tiêm phòng. Nhiều người vẫn còn thờ ơ, không đưa con đi tiêm phòng mũi nhắc lại, hoặc bỏ qua một số loại vaccine nào đó. Bác sỹ Phạm Nhật An cho rằng, cần đưa thêm 1 số loại vaccine vào chương trình tiêm chủng mở rộng, chẳng hạn như Rubella – bệnh đã bùng phát trong thời gian gần đây: “Rất nhiều loại bệnh giảm tỷ lệ mắc nhờ tiêm phòng ví dụ như bệnh viêm não Nhật Bản. Ở bệnh viện, những trường hợp đã tiêm phòng rồi thì tỷ lệ mắc bệnh ít hơn và thường triệu chứng cũng nhẹ hơn. Có rất nhiều trường hợp vào viện mắc bệnh là do chưa được tiêm phòng”.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Thực tế đã chứng minh thành công lớn nhất của chương trình tiêm chủng mở rộng là do xã hội hóa và sự hưởng ứng của người dân. Do đó, Tuần lễ tiêm chủng quốc gia được phát động diễn ra từ ngày 25 đến 30/4/2011 là một chiến dịch tuyên truyền lớn, nhằm hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng do Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động và mở rộng độ bao phủ của việc tiêm chủng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong của những bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa bằng vaccine. Trong các chương trình tiêm chủng, đối tượng người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm hàng đầu.

Theo ông Hiển, đến giờ phút này đại bộ phận người dân đã hiểu rõ tầm quan trọng của tiêm chủng, rất nhiều bà mẹ đã đem con đến cơ sở y tế đòi hỏi con mình được tiêm chủng. Chúng tôi chỉ lo làm sao để duy trì được nhận thức này khi mà trong thời gian tới, chúng ta vẫn còn đứng trước những nguy cơ lớn là những dịch đã loại trừ hoặc thanh toán có nguy cơ quay trở lại khi thế giới vẫn đang xảy ra; tập trung nâng cao hiệu quả tiêm chủng ở vùng sâu vùng xa, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến vácxin không chỉ ở trạm y tế mà tổ chức các đội lưu động đến các điểm y tế ở tận thôn bản hoặc tại người dân ở vùng sâu vùng xa

Rõ ràng, công tác tuyên truyền ở địa phương là rất quan trọng để người dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia vào chương trình tiêm chủng mở rộng và được tiếp cận với những dịch vụ y tế dự phòng tốt nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ y tá, bác sỹ của các trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế cơ sở cần phổ biến cho phụ huynh hiểu rõ về lịch tiêm, vai trò của tiêm chủng, 11 loại vaccine được đưa vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, cũng như các loại vaccine phòng bệnh khác.

Và hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh là người cần quan tâm tìm hiểu về tiêm chủng, để trẻ được hưởng quyền lợi và được phòng ngừa tối đa mắc các bệnh truyền nhiễm./.