Ai cũng rõ thai phụ cần được cung cấp nhiều dưỡng chất trong suốt giai đoạn 9 tháng mang thai. Bên cạnh chất đạm và chất béo rất cần thiết cho sự tăng trưởng bình thường của thai nhi, thai phụ cần được cung cấp đủ các dưỡng chất khác như canxi, sắt, vitamin A, acid folic…. Trong suốt thai kỳ để vừa tránh trục trặc khi lâm bồn, vừa bảo đảm điều kiện phát triển tối ưu cho hệ miễn nhiễm và các giác quan của thai nhi. Thai phụ vì thế cần ăn nhiều hơn bình thường nhưng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều đường. Điều sai lầm này nhiều thai phụ thường mắc phải, bởi họ thèm ăn ngọt trong lúc ốm nghén.
Thai phụ cần tránh tăng cân đến ngưỡng béo phì vì điều đó sẽ gây nhiều khó khăn khi khai hoa nở nhụy. Nói chung, thai phụ cần ăn sao cho đủ nhưng đừng tăng hơn 1 kg mỗi tháng trong 6 tháng đầu, đừng hơn 500 g mỗi tuần trong 3 tháng cuối. Thêm vào đó, bà bầu cũng không nên ăn quá ngọt nhằm phòng tránh tình trạng thai nhi béo phì ngay từ trong bụng mẹ.
Chính vì thế, cần kiểm soát đường huyết cho thai phụ, tối thiểu mỗi tháng một – hai lần trong 6 tháng đầu của thai kỳ.
Nhiều công trình nghiên cứu về bệnh tiểu đường thời gian gần đây cho thấy, không ít thai phụ bị tăng đường huyết trong năm tháng cuối của thai kỳ. Hội chứng này được đặt tên là “bệnh tiểu đường do mang thai”, dù thai phụ không mạnh miệng với bánh kẹo, chè, mứt. Sở dĩ bệnh này xảy ra là vì rối loạn nội tiết tố khi mang bầu khiến insulin, nội tiết tố của tụy tạng có nhiệm vụ điều chỉnh đường huyết, bị phong bế hoạt tính.
Thầy thuốc sản phụ khoa vì thế phải kiểm soát kỹ đường huyết của thai phụ để kịp thời can thiệp bằng thuốc tiêm, hay điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp. Thai phụ có thể trang bị máy đo đường huyết cá nhân để tự theo dõi lượng đường trong máu. Nên nhớ, bệnh tiểu đường không được phát hiện là một trong các lý do dẫn đến sinh khó, thậm chí gây sảy thai.
Thông thường thì đường huyết của thai phụ trở lại định mức bình thường trong vòng một tuần sau khi vượt cạn. Tuy nhiên, có không dưới 50% bà mẹ bị tăng đường huyết trong ba tháng cuối của thai kỳ lại dễ mắc bệnh tiểu đường trong vòng 8 – 10 năm sau đó! Nhiều thai phụ vì thế trở thành nạn nhân của bệnh tiểu đường một cách oan uổng. Sản phụ cần được tiếp tục theo dõi đường huyết định kỳ, đồng thời với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý nhằm ngăn chặn bệnh tiểu đường. Nếu ai cũng có thể bị bệnh tiểu đường thì nguy cơ đó càng đáng lo hơn đối với các bà mẹ.
Chính vì thế, người muốn làm mẹ, sắp làm mẹ và đã làm mẹ không nên xem thường bệnh tiểu đường để phòng ngừa căn bệnh “già không bỏ, nhỏ không tha” này./.