Sáng nay (16/9), tại Hà Nội, Ngân hàng thế giới đã công bố kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa trẻ chậm lớn và vệ sinh môi trường ở nông thôn Việt Nam.

Báo cáo kết quả nghiên cứu, bà Susanna Smets, người đứng đầu nhóm nghiên cứu đến từ Ban Thủy lợi quản lý nước thuộc WB cho biết: Chúng tôi thực hiện kết quả nghiên cứu này tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra 45% ca tử vong ở trẻ em và 21% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Hiện trên thế giới, tình trạng thấp còi đã giảm đáng kể từ năm 1990, tình trạng gầy yếu không thay đổi (theo con số mà UNICEF cung cấp). Chiều cao là một chỉ số quan trọng đối với trẻ. Suy dinh dưỡng thể hiện dưới dạng: thấp còi (chiều cao thấp so với độ tuổi), nhẹ cân (cân nặng thấp so với chiều cao) và gày nghèo (cân nặng thấp so với chiều cao).

ngan_hang_tg_bxpd.jpg
Bà Susanna Smets thay mặt nhóm trình bày kết quả nghiên cứu
Bà Susanna Smets cũng chỉ ra rằng, trẻ thấp còi dễ có khả năng tử vong do tiêu chảy, viêm phổi, sởi và các bệnh lây nhiễm khác; có năng lực nhận thức và học hành kém hơn trong lứa tuổi thơ ấu và vị thanh niên sau này và khi trưởng thành trở thành người có năng suất lao động kém hơn. Chính vì thế, trẻ thấp còi không thể đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước…

Theo kết quả, nguyên nhân chủ yếu của bệnh thấp còi là viêm ruột mãn tính do môi trường chứ không phải là tiêu chảy?. Điều kiện vệ sinh và vệ sinh môi trường kém dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Hiện trạng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh trên diện rộng dẫn đến tình trạng thấp còi ở trẻ, nghĩa là trẻ thấp hơn nhiều so với lứa tuổi khác. Nước không phải là nguyên nhân làm cho trẻ ốm và suy dinh dưỡng mà chính là do ô nhiễm bởi phân người. Do vậy, biện pháp chấm dứt phóng uế bừa bãi và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là một vấn đề ưu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực hiện tại và tương lai của đất nước. Nói một cách đơn giản, đầu tư vào vệ sinh có nghĩa là đầu tư vào một thế hệ tương lai thông minh và có khả năng lao động tốt.

Trọng tâm của nghiên cứu là khu vực Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một ví dụ rất thực tế rằng: một đứa trẻ 5 tuổi sống trong một cộng đồng có điều kiện vệ sinh không được cải thiện thấp hơn 3,7cm so với một đứa trẻ sống ở một thôn làng, nơi tất cả mọi người sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Sự khác biệt này về chiều cao là vấn đề lớn đối với sự phát triển nhận thức và tiềm năng lao động trong tương lai của trẻ.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các kiến nghị để cải thiện tình trạng thấp còi, vệ sinh nông thôn cần được ưu tiên, đặc biệt là sau khi chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dự kiến kết thúc vào năm 2015.  Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch về vệ sinh nông thôn của Việt Nam đặt mục tiêu là 65% tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo nghiên cứu này thì mục tiêu này không đủ.../.