Trong vòng 20 năm qua, tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn có khoảng 14% dân số và 50% bệnh nhân nội trú bị suy dinh dưỡng.
Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp báo giữa kỳ chương trình hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng tổ chức ngày 7/11, tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cho hay điều tra trong bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2011 cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất ở khoa ngoại (51%), tiếp theo đó là khoa hô hấp (41%), khoa hồi sức cấp cứu (35 %), khoa tiêu hóa (33%)…
Trong môi trường bệnh viện, suy dinh dưỡng mà đặc biệt là suy dinh dưỡng ở người lớn, là một nguy cơ gây ra biến chứng nhiễm khuẩn và không truyền nhiễm, dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí y tế.
Bà Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, do Bệnh viện Bạch Mai có khoa dinh dưỡng lâm sàng và chế độ ăn bệnh lý nên tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng dao động 25-50%.
Trong khi nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam về tỷ lệ các bệnh liên quan đến dinh dưỡng tại bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân nội trú suy dinh dưỡng ở mức chung 50%.
Tại Việt Nam, hiện còn 31% bệnh viện tỉnh chưa có khoa dinh dưỡng và trong số khoa dinh dưỡng đã có, chỉ 19% áp dụng chế độ dinh dưỡng lâm sàng.
Dự án hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng bắt đầu hoạt động từ năm 2010. Đây là dự án đầu tiên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lâm sàng một cách toàn diện. Với tổng kinh phí hỗ trợ 3,8 triệu USD (gần 80 tỷ đồng Việt Nam) của Quỹ Abbott cho các hoạt động của các đối tác trong và ngoài nước.
Dự án đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc tăng cường chăm sóc dinh dưỡng tại bệnh viện cho bệnh nhân nội trú bằng các hoạt động phối hợp toàn diện, đáp ứng 3 nhu cầu thiết yếu là: đào tạo cán bộ, lồng ghép dinh dưỡng lâm sàng vào công tác chăm sóc bệnh nhân nội trú; mở rộng các chương trình đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng và thực hiện, phổ biến kết quả nghiên cứu về các mô hình dinh dưỡng lâm sàng tối ưu./.