Nhận diện “kẻ giết người thầm lặng”
GS TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về tim mạch cho biết, tăng huyết áp (THA) là khi huyết áp của người bình thường bị tăng vọt lên trên 140/90mmHg. Người mắc bệnh tăng huyết áp đôi khi chỉ cảm thấy hơi đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nghỉ ngơi lại hết. Tăng huyết áp được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng” vì phần lớn những người bị THA đều không thấy có chịu, một số ít có thể thấy đau đầu, nóng bừng mắt. Nếu không được đo huyết áp định kỳ, người bị THA chỉ được phát hiện khi có các biến chứng nặng như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, tổn thương đáy mắt, gây giảm thị lực hay đã có biểu hiện suy tim. Chính vì sự nguy hiểm của nó mà lâu nay trong giới y học hay gọi bệnh tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”.
Vài năm trở lại đây, số lượng người mắc bệnh tăng huyết áp đang có chiều hướng gia tăng. Theo GS Phạm Gia Khải, ở nước ta, người có độ tuổi từ 25 trở lên mắc bệnh tăng huyết áp chiếm tỉ lệ khá cao và có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn, năm 1960 chỉ có 1%; năm 2002 đã tăng lên 11,5%; năm 2008 vọt lên 25,1%...
Điều đáng lo ngại là những người mắc chứng bệnh này ngày càng trẻ hóa. “Trước đây, bệnh tăng huyết áp thường xuất hiện ở người già, trên 60 tuổi. Ngoài những trường hợp bị tăng huyết áp do bệnh lý khác như bệnh thận từ nhỏ…, đa số người bị mắc bệnh tăng huyết áp là do cách sống không phù hợp. Hiện nay, người ta ăn nhậu quá nhiều, cộng với lo lắng cho việc sinh kế… cũng làm cho một số bệnh phát triển như: các bệnh về chuyển hóa, béo phì, mỡ máu cao, đái tháo đường…. Tăng huyết áp là một trong số các bệnh đầu tiên ta phải nghĩ tới”- GS Khải lưu ý nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp.
“Quy tắc vàng” điều trị tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp là bệnh mãn tính nên đòi hỏi người điều trị cũng phải điều trị lâu dài chứ không thể điều trị cấp tính. Để điều trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả, đòi hỏi người mắc bệnh phải thật kiên trì và điều trị theo quy tắc “vàng” để huyết áp có thể xuống hoặc các biến chứng đến rất chậm hoặc không đến được với bệnh nhân.
Không thể coi chữa tăng huyết áp là chữa cho mạch chậm xuống coi như xong. Để việc điều trị tăng huyết áp hiệu quả, GS TS Phạm Gia Khải tư vấn: “Chữa tăng huyết áp không thể coi như nhổ cái răng sâu, vì nó khỏi lúc bấy giờ nhưng nó lại bị lại nếu chúng ta không tiếp tục điều trị nữa. Do đó nguyên tắc điều trị tăng huyết áp là phải điều trị lâu dài với thế kiềng 3 chân: ăn uống hợp lý; thuốc men đều đặn và luyện tập thường xuyên”.
Tuy nhiên, nói điều trị lâu dài, nhưng cũngkhông phải điều trị suốt đời, vì theo lý giải của GS Khải, “cuộc đời của chúng ta từng thời kỳ có sự thay đổi về sinh lý, cần phải theo dõi tùy từng trường hợp cụ thể để có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất có thể”.
Nói về vấn đề dinh dưỡng, ăn uống hợp lý, GS Phạm Gia Khải cho biết: “Chúng ta nên ăn nhạt, tránh thức ăn có quá nhiều mỡ động vật, ăn nhiều rau, nhiều cá, ăn đủ lượng kali. Chúng ta đặc biệt hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá, bởi thuốc lá làm co mạch và biến chứng ở phổi. Do đó đòi hỏi người bệnh phải có một chế độ ăn uống thật hợp lý.
Bên cạnh việc thực hiện phác đồ dinh dưỡng, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc về việc điều trị thuốc men. Hiện nay, có khoảng 300 loại thuốc chữa tăng huyết áp, và thể trạng mỗi người phù hợp với từng loại thuốc khác nhau. Chính vì lẽ đó, người bệnh tuyệt đối không tự ý đổi thuốc khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.”
GS Phạm Gia Khải giải thích yếu tố sau cùng của thế kiềng ba chân chính là việc luyện tập thể dục. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần đều đặn đi bộ nhanh khoảng 30 phút, hoặc luyện tập các động tác đốt cháy mỡ và tích cực thay đổi lối sống sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ trong việc điều trị. Khi kết hợp nhuần nhuyễn và nhịp nhàng quy tắc vàng này thì việc kiểm soát huyết áp không phải là khả năng ngoài tầm tay. Tất nhiên, điều đó sẽ góp phần khống chế được rất nhiều trường hợp tăng huyết áp.
Việc điều trị tăng huyết áp theo chiều hướng tích cực thay đổi lối sống, và tuân thủ nghiêm túc về điều trị thuốc men của thế kiềng 3 chân trên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Theo GS Phạm Gia Khải: “Các nước công nghiệp phát triển đã làm và hạn chế được một số bệnh như liệt nửa người, suy tim. Ở những nước này, trong khoảng 10 năm trở lại đây số lượng người bị mắc bệnh tăng huyết áp và biến chứng ít hẳn đi. Việt Nam ta sẽ làm được như vậy nếu rút kinh nghiệm qua các việc làm của các nước khác”./.
Cách đo huyết áp đúng
Để đo được con số huyết áp chính xác, cần tuân thủ một số điểm như sau:
- Ngồi nghỉ trước khi đo, ít nhất 5 – 10 phút, trong phòng yên tĩnh.
- Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc) trước khi đo 2 giờ.
- Tư thế đo: ngồi tựa vào lưng ghế, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Có thể đo ở tư thế nằm.
- Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo tư thế đứng nhằm xác định “hạ huyết áp tư thế” hay không.
- Sử dụng huyết áp kế với bao hơi có bề dài bằng 80%; bề rồng bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí thích hợp sao cho máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
- Nên đo huyết áp ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 2 phút. Nếu đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại lần 3 sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Lần đo huyết áp đầu tiên, nên đo huyết áp ở cả hai tay.
- Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.
- Trường hợp nghi ngờ, có thể đến các phòng khám chuyên khoa để được theo dõi huyết áp liên tục bằng máy đo tự động trong 24 giờ (nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)./.