Nếu không phòng tránh kịp thời, mầm bệnh sẽ lây lan tạo thành dịch nguy hiểm tới cộng đồng.

Mới đầu mùa mưa mà các tỉnh ở miền Bắc như Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La… chịu ảnh hưởng rất lớn, khiến hàng nghìn ngôi nhà ngập lụt.

Theo Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư, mưa lũ, gập lụt xảy ra sẽ có vô số vi sinh vật hòa vào dòng nước gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Những bệnh lây truyền qua nguồn nước điển hình như tả, lị, thương hàn, tay chân miệng, đau mắt đỏ… có nguy cơ gia tăng.

bs_cap_hqat.jpg
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Bệnh tiêu chảy là bệnh đường ruột hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ do nhiễm virus. Khi bị tiêu chảy, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất nhanh nếu dùng nước để ăn, uống không hợp vệ sinh. Hoặc tình trạng nước lụt dẫn đến ô nhiễm phân, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm do vi khuẩn E.coli, hay các loại giun sán gây bệnh, trứng giun trứng sán bám vào rau cỏ.

Bên cạnh đó, xác động vật như lợn, gà, chuột cũng rất dễ gây bệnh cho con người. Như bệnh sốt vàng da, chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra. Ổ bệnh ở đây chính là loài chuột. Nếu người dân lội vào vùng nước cống rãnh có nước tiểu chuột khi chân tay xước xát nguy cơ phơi nhiễm Leptospira sẽ tăng. Người mắc bệnh này sẽ ủ bệnh từ vài ba ngày đến 1-2 tuần với biểu hiện sốt, sau đó xuất hiện vàng da, suy gan, suy thận, chảy máu… Nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.

Một số vùng trung du, miền núi, khi nước lụt dâng lên, ngập các bãi cỏ, lùm cây  một số các loại mò ve (mò đỏ) di chuyển, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh Rickettsia. Khi mắc bệnh sẽ có biểu hiện sốt từ 1 đến vài tuần. Tuy nhiên, đa số những người nhiễm bệnh này sẽ tự khỏi sau 1 vài tuần, nhưng 1 số trường hợp bị nặng sẽ dẫn đến tình trạng suy đa phủ tạng, có thể dẫn đến tử vong.

BS Nguyễn Trung Cấp cũng lưu ý, nhóm bệnh liên quan đến muỗi vào những đợt mưa lũ. Nếu vùng nào có lưu hành sốt rét, sốt xuất huyết khi mưa lũ, muỗi dễ sinh sôi nảy nở, sẽ là nguy cơ gia tăng và dễ bùng phát thành dịch bệnh.

BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, cần chú ý vệ sinh nguồn nước. Trong điều kiện không thể cấp được nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở để đảm bảo vệ sinh nguồn nước; phải đảm bảo ăn chín uống sôi; khi lội vào các vùng nước bẩn cần có phương tiện phòng hộ như ủng, thận trọng khi chân tay có vết xước da; tránh nguy cơ bị muỗi đốt./.