Tết đến, xuân về cũng là dịp người thân, bạn bè đến thăm hỏi nhau và cùng nhau đi du lịch. Với người khỏe mạnh thì những cuộc vui chơi này thật đơn giản, nhưng với những bệnh nhân có bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), khi đi du xuân, cần chú ý những gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bệnh nhân ĐTĐ có chuyến đi thuận lợi và vui vẻ.
Trước khi khởi hành
Bạn nên kiểm tra sức khỏe trước khi có chuyến đi xa nhà. Hãy nói với bác sĩ về những vấn đề có thể gặp trong chuyến đi (như rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy) để bác sĩ có những lời tư vấn hoặc kê đơn thuốc dự phòng. Người bệnh nên mang theo thuốc chống say xe đủ để dùng trong suốt hành trình. Một điều đáng lưu ý là cần phải mang theo một số thẻ cá nhân, trong đó có thẻ cho biết mình mắc bệnh ĐTĐ để đề phòng trường hợp xấu (ví dụ, nếu bạn bị hôn mê do hạ đường huyết, những người đi cùng đoàn biết và có thể trợ giúp). Bạn cũng cần đem theo thêm một cơ số thuốc (ví dụ insulin và bơm kim tiêm dự phòng hoặc thuốc viên hạ đường huyết), đem theo bữa ăn phụ, đề phòng bị muộn giờ ăn hoặc thay đổi lịch trình.
Một bữa ăn hợp lý tại nơi du lịch sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường có sức khỏe tốt. |
Trong khi di chuyển
Bạn cần đem theo tất cả bơm tiêm, máy thử đường huyết trong suốt hành trình. Các loại thuốc mang theo cũng phải còn nguyên dạng trong vỉ hoặc lọ của nhà sản xuất, insulin chưa mở, các thuốc trên sẽ dễ được chấp nhận nếu có kèm theo đơn của bác sĩ. Cần giữ đúng giờ ăn và uống thuốc nếu có thể. Uống thêm nước và cố gắng vận động càng nhiều càng tốt trong sức khỏe cho phép trong khi di chuyển. Nếu bạn đi bằng xe hơi, mỗi lần dừng xe, hãy đi bộ quanh khoảng 5 phút. Nếu đi bằng tàu hỏa, hãy đi dọc theo toa tàu. Nếu đi bằng máy bay, hãy đứng dậy đi hoặc co duỗi chân tay sau 1-2 giờ. Nếu bạn đi bằng xe hơi nên đem theo thức ăn dự phòng để phòng trường hợp sự cố hỏng xe bất kỳ có thể xảy ra.
Bệnh nhân đái tháo đường nên tập luyện thể lực hằng ngày để rèn luyện và nâng cao sức khỏe. |
Khi đến nơi du lịch, bạn sẽ phải tiếp xúc và ăn những thực phẩm có thể hoàn toàn khác ở nhà nên bạn hãy suy nghĩ xem nên ăn gì sẵn có và phù hợp tại nơi du lịch.Bạn đừng ngại dành một chút thời gian để học xem nên ăn gì sẵn có tại nơi du lịch. Trong các chuyến đi này, thường thức ăn nhiều và thừa thãi, do đó bạn không nên ăn hết suất của mình, đặc biệt là cảnh giác với kiểu ăn tự chọn, hãy nếm mỗi thứ ít một, thưởng thức bữa ăn thật chậm và duy trì lượng ăn gần giống với mọi ngày. Điều cần thiết nữa là bạn không nên quên luyện tập thể dục và luôn đem theo đồ uống, thức ăn để thay thế một bữa ăn không đúng giờ. Bạn nên dùng kem chống nắng và luôn nhớ nguyên tắc bảo vệ chân: kiểm tra chân hằng ngày, không đi chân trần, nếu lỡ bị phồng rộp chân, hãy dùng chất sát khuẩn nhẹ, băng bảo vệ, không chọc thủng vết rộp. Nếu không may bạn bị ốm: hãy thử đường máu thường xuyên hơn. Ăn ngũ cốc, bánh mỳ, cháo, phở, súp,... thay cho bữa ăn thường quy. Uống đủ nước. Nếu đường máu vẫn cao, hãy đến bệnh viện gần nhất.
Với người đang tiêm insulin
Đem theo insulin bên người, không cần thiết bảo quản trong tủ lạnh. Chỉ cần tránh nhiệt độ quá cao (trên 30oC). Đem theo thư của bác sĩ nói rằng bạn mắc ĐTĐ nên phải đem theo bơm tiêm, insulin, thiết bị đo đường máu, đề phòng trường hợp bạn cần phải giải thích hoặc bị mất, cần mua thay thế. Thường xuyên đem theo đường hấp thu nhanh. Bạn có thể cần điều chỉnh liều insulin cho phù hợp với nhịp sống mới. Đi bộ, bơi lội, đi dạo đốt cháy khá nhiều năng lượng. Để an toàn, hãy thử đường máu thường xuyên hơn. Cần cho người cùng đi biết các dấu hiệu của hạ đường huyết và giúp bạn dùng đường khi cần.
Khi đi đến nơi có múi giờ khác quá nhiều, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về điều chỉnh liều insulin cũng như lịch trình tiêm. Khi đi qua các múi giờ khác nhau, hãy giữ đồng hồ chỉ giờ ở thời điểm xuất phát: ăn thêm bữa phụ và tiêm thêm insulin nhanh nếu chuyến đi ngày dài hơn đêm; giảm liều insulin bán chậm nếu chuyến đi đêm dài hơn ngày và lịch tiêm trở lại bình thường vào ngày hôm sau tại nơi đến./.