Tại buổi nói chuyện với các bà mẹ diễn ra ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) về bệnh hen suyễn, các bác sĩ cho biết đây là bệnh mãn tính ở đường dẫn khí (phế quản). Bệnh biểu hiện với các triệu chứng như: khò khè, khó thở, nặng ngực, ho. Đặc điểm của bệnh thường xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm. Bệnh thuộc một dạng của dị ứng, thể hiện ở chỗ hệ miễn dịch phản ứng bất thường với một chất bất thường trong môi trường tự nhiên. Bệnh suyễn biểu hiện ở 3 dạng: suyễn dai dẳng, từng cơn và theo mùa. Trẻ em và phụ nữ mắc căn bệnh này nhiều nhất.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Thuý Anh, khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, đối với trẻ, khi hệ miễn dịch còn nhạy cảm vớic ác tác động từ môi trường sống, bệnh hen suyễn rất dễ xâm nhập và gây nhiều khó khăn cho trẻ trong vui chơi, học tập. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng nề như xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, ngừng hô hấp, tổn thương não, nặng hơn là suy hô hấp…
Trẻ bị suyễn thường không thể ngủ ngon và ảnh hưởng đến việc ăn uống, khiến trẻ ngày một gầy đi. Do vậy, cần nhận biết biểu hiện ban đầu cảu các dạng suyễn để kịp có biện pháp phòng tránh cho trẻ. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như ho lâu ngày, ho dai dẳng thì cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh suyễn ở trẻ, trong đó phải kể đến không khí ẩm thấp, mưa nhiều. Mùa mưa là điều kiện các mạt nhà gia tăng, cây cỏ, phấn hoa phát triển, gió tạo điều kiện cho phấn hoa phát tán rộng gây dị ứng ở trẻ. Đồng thời, khi thời tiết thay đổi, mưa dễ khiến trẻ cảm lạnh.
Bác sĩ Thuý Anh cho hay bệnh hen suyễn có thể phòng ngừa. Để hạn chế các nguy cơ gây bệnh, phụ huynh cần tránh để nhà cửa ẩm ướt; phơi chăn chiếu ra nơi có nắng; vệ sinh máy lạnh, quạt và các vật dụng trong nhà bám bụi bẩn; đồng thời cần hết sức lưu ý giữ ấm cho trẻ, không để trẻ dầm mưa… Với những trẻ có cơ địa hen suyễn thì thực đơn ăn uống cần tránh các thức ăn dễ gây dị ứng (nên có sổ tay theo dõi sự tiếp nhận dinh dưỡng của trẻ để biết trẻ hay bị dị ứng với những loại thực phẩm nào)./.