Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 24 tháng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. 3 năm trở lại đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện chương trình “Phòng vắt trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc”, mang lại những hiệu quả thiết thực đối với các bà mẹ nuôi con nhỏ.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Nguyễn Thị Huyền, Công ty du lịch Việt Nam lại đến cabin vắt và trữ sữa đặt tại cơ quan, hút sữa cất vào tủ lạnh để chiều mang về cho con. Cầm bình sữa trên tay, chị chia sẻ: hiện con chị đã được 9 tháng và vẫn được uống sữa mẹ thường xuyên, con có sức đề kháng nên hầu như không ốm vặt, chị vừa tiết kiệm tiền mua sữa, vừa giảm chi phí, khám, chữa bệnh cho con.

Chị Huyền nói: “Trước kia, một số chị em đang nuôi con nhỏ rất vất vả vì nhiều sữa phải vắt bỏ đi, như thế rất phí nguồn sữa, gây khó chịu cho các mẹ. Khi có phòng vắt sữa rất tiện ích trong thời gian làm việc chị em có thời gian vắt trữ sữa mang về nhà. Tuy ở xa nhưng các chị em vẫn đảm bảo được nguồn sữa mẹ trong thời gian đang nuôi con. Trong giờ làm việc có những hôm nhiều sữa, tôi cũng dành chút thời gian vắt sữa và dự trữ theo đúng quy trình đề đảm bảo chất dinh dưỡng”.   
thung_sua_shwe.jpg
Mô hình phòng trữ sữa.

Công ty TNHH Meiko (Hà Nội) là một trong những doanh nghiệp tham gia “Chương trình nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”.

Anh Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Công ty có hơn 2.200 công nhân lao động, trong đó có hơn 80 công nhân đang nuôi con nhỏ. Trước đây, công ty không chú trọng đến những ích lợi của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhu cầu của nữ công nhân đang nuôi con nhỏ. Nhưng sau khi được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt một phòng vắt, trữ sữa và tuyên truyền về nuôi con bằng sữa mẹ, những nữ công nhân đang nuôi con nhỏ của công ty tỏ ra rất vui mừng. Số lao động nữ xin nghỉ làm để chăm sóc con ốm đau giảm rõ rệt. Nhận thấy lợi ích của phòng vắt trữ sữa, Công ty đã hỗ trợ thêm một phòng vắt trữ sữa tại công ty, mang lại niềm vui cho nữ công nhân lao động nuôi con nhỏ. Chị em cũng có thể san sẻ sữa cho con của các công nhân lao động khác vì điều kiện không có sữa cho con bú, qua đó tình cảm của người lao động ngày càng gắn kết hơn, thể hiện một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Anh Phan Thanh Hải nói: “Khi có 2 phòng vắt trữ sữa, chị em đã có khu vực riêng tư, đảm bảo vệ sinh, không gian thoải mái để vắt trữ sữa, để mang về cho con sử dụng ngay hôm sau, điều này rất ý nghĩa. Công ty chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho chị em có thời gian đến phòng vắt trữ sữa, có khi nhiều hơn 3-4 lần mỗi ngày, không quy định giờ nghỉ”.

Sau 3 năm triển khai, mô hình phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc được triển khai tại 70 đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, có 10 cơ quan nhà nước và 60 doanh nghiệp ở 23 tỉnh, thành trong cả nước, đáp ứng nhu cầu của hơn 180.500 lao động nữ. Nhận thấy hiệu quả của chương trình trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ và trẻ nhỏ, rất nhiều đơn vị đã tự đầu tư lắp đặt buồng vắt, trữ sữa.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng, nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực với Tổ chức phi chính phủ Nuôi dưỡng và Phát triển (A&T), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để hỗ trợ lao động nữ có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và chương trình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tham gia tích cực với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất với Chính phủ bổ sung ban hành nghị định hướng dẫn riêng một số điều quy định liên quan tới lao động nữ, trong đó có quy định mở rộng chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: “Chúng ta đón chờ Thủ tướng ban hành Nghị định về Chính sách của lao động nữ. Điều này sẽ trở thành quy định mang tính pháp lý, bắt buộc chứ không chỉ là vận động. Chúng ta nên có những chế tài nếu doanh nghiệp làm tốt thì biểu dương khen thưởng. Nếu làm chưa tốt, doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm xã hội của mình. Chúng tôi mong đợi của sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của VCCI, đại diện cho giới sử dụng lao động”.

Pḥòng vắt trữ sữa được lắp đặt ở các doanh nghiệp, đơn vị cho lao động nữ tuy chưa nhiều so với hàng vạn doanh nghiệp trên cả nước nhưng bước đầu giúp lao động nữ ở các doanh nghiệp trên có không gian, thời gian để vắt và trữ sữa , duy trì nuôi con bằng sữa mẹ ngay cả khi quay trở lại làm việc.

Mong rằng Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn cần tiếp tục tuyên truyền chính sách lao động nữ, tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách lao động nữ ở doanh nghiệp, đơn vị; vận động doanh nghiệp, đơn vị, địa phương xây dựng các pḥòng vắt, trữ sữa ở nơi có nhiều lao động nữ có nhu cầu sử dụng./.