Tại hội thảo khoa học “Dinh dưỡng đậu nành và sức khỏe nam giới”, diễn ra tại TP HCM ngày 20/5, các nhà các nhà khoa học cho biết, tuy đậu nành giàu isoflavones (còn được gọi là phytoestrogen, có cấu trúc gần giống estrogen của nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam) nhưng isoflavones không phải là estrogen. 

Tiến sĩ Mark Messina, ĐH Loma Linda (bang California, Hoa Kỳ) cho biết, mối lo ngại nam giới sử dụng đậu nành sẽ bị nữ hóa là vô căn cứ vì đậu nành không ảnh hưởng đến nồng độ estrogen hay testosterone ở nam giới hay ảnh hưởng đến tinh trùng, tinh dịch.

Đáng chú ý, trong một nghiên cứu điều trị trên cặp vợ chồng vô sinh bị tinh trùng ít do suy giảm một phần tinh trùng trưởng thành, kết quả cho thấy Isoflavones có vai trò trong việc điều trị chứng tinh trùng ít.
 
dau_nanh_fsbd.jpg

Đây là một tín hiệu mới để khoa học tiếp tục nghiên cứu lợi ích của đậu nành trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị vô sinh. Nam giới dùng nhiều đậu nành giảm 25% nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt so với người ít dùng đậu nành, đậu nành còn giúp phát triển cơ bắp tốt hơn... 

Trong khi đó, BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM khẳng định: Đậu nành là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất đạm, Isoflavones, chất béo chưa bão hòa, các vitamin, khoáng chất, carbohydrate phức hợp và chất xơ. Nếu áp dụng chế độ hợp lý, thay thế cho các thành phần có nguồn gốc động vật, đậu nành có thể góp phần vào việc phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, chống lão hóa…/.