Hành trình đi tìm con
Anh P. có tiền sử bị bệnh quai bị dẫn đến tinh hoàn không có tinh trùng. Tâm trạng đang buồn bã vì vợ chồng kết hôn đã 2 năm nhưng không thể có con thì anh nghe tin BV Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh có phương pháp mới điều trị cho nam giới vô sinh, anh liền đến khám và điều trị.
Sau khi khám, bác sĩ kết luận trường hợp của anh tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng đó là tinh trùng non không có đuôi. BS.CK2 Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, trường hợp của anh P. bắt buộc phải áp dụng quy trình ROSI tức là tiêm tinh trùng non vào bào tương trứng của vợ, nếu không thì không thể có con. Toàn bộ quá trình là sự kết hợp giữa Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM.
“Trước hết, các bác sĩ BV Bình Dân điều trị nam khoa, cho bệnh nhân uống thuốc nâng tinh trùng lên rồi tiến hành vi phẫu tích (mổ dưới kính hiển vi) để tìm tinh trùng sau đó mang về Bệnh viện Hùng Vương xử lý. Sau khi tiếp nhận ống tinh từ khoa Nam Học Bệnh viện Bình Dân, khoa đã tiến hành quá trình ROSI, bắt đầu bằng việc tìm tinh trùng non từ trong các ống tinh, sau đó tiêm vào bào tương trứng của người mẹ, tạo phôi và chuyển phôi vào trong buồng tử cung" – BS Lý Thái Lộc thông tin.
Khó khăn của phương pháp này là dưới kính hiển vi, các bác sĩ phải tìm thấy tinh trùng non còn sống của người bố và “hòa hợp” tinh trùng đó với trứng đã trưởng thành của người vợ. Tỷ lệ thành công thấp hơn so với việc kết hợp tinh trùng trưởng thành với trứng trưởng thành.
Kết quả khả quan ngoài cả sự mong đợi khi người vợ đã mang thai hoàn toàn khoẻ mạnh và đang được theo dõi như những thai phụ bình thường. Ngoài ra, các bác sĩ còn trữ những phôi còn lại nhằm phục vụ cho những lần mang thai sau.
“Nghe tin vợ có hai vạch mà cứ như nằm mơ, mừng quýnh cả lên. Giờ nhắc lại vẫn cảm thấy sướng nổi da gà luôn” – Anh P. hạnh phúc kể lại.
Kỹ thuật này cũng được áp dụng tương tự đối với trường hợp thứ hai là anh M. bị mắc hội chứng Klinefelter – một hội chứng bất thường nhiễm sắc thể khiến anh không thể có tinh trùng. Hiện vợ anh đã mang thai hơn 2 tháng, cả hai mẹ con khỏe mạnh và đang được các bác sĩ theo dõi định kỳ.
Bước đột phá trong điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam
Thông thường để kết luận về khả năng sinh tinh của nam giới, các bác sĩ sẽ sinh thiết tinh hoàn. Trong trường hợp vô tinh, bệnh nhân sẽ được chỉ định lấy mô tinh hoàn ra quan sát dưới kính hiển vi, nếu trong ống sinh tinh vẫn còn có tinh trùng trưởng thành nghĩa là nó có đuôi thì coi như vẫn còn sinh tinh. Trường hợp không thấy tinh trùng nghĩa là tinh hoàn không còn sản xuất tinh trùng hoặc có trường hợp ống sinh tinh có tinh trùng nhưng không có đuôi thì gọi là sinh tinh giữa chừng (tinh trùng non).
Trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, đối với nhóm nam giới vô sinh mà bệnh nhân vẫn còn khả năng sinh tinh nhưng do tắc nghẽn không thể xuất ra được thì hầu như việc can thiệp điều trị để có thai cũng rất đơn giản. Các bác sĩ có thể hút tinh trùng từ mào tinh hoặc mở tinh hoàn lấy trực tiếp từ trong mô tinh hoàn các con tinh trùng rồi sau đó đi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này mang lại hiệu quả khá cao, đang được áp dụng phổ biến ở nhiều cơ sở y tế trong nước và trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên câu chuyện trở nên khó khăn hơn khi nhóm vô sinh mà không sản xuất tinh trùng hoặc là sản xuất tinh trùng nửa chừng, nghĩa là những con tinh trùng này là tinh trùng non, không có đuôi thì rất khó khăn trong chuyện thụ tinh. Trước đây, muốn có con chắc chắn cặp vợ chồng hiếm muộn đó phải đi xin tinh trùng. Điều này là vô cùng khó khăn bởi rất ít người chấp nhận điều đó.
“Khi chúng tôi đọc báo cáo trên thế giới, đặc biệt là nghiên cứu tại Nhật thì thấy rằng ở Nhật người ta có thể hoạt hóa được những con tinh trùng non và sau đó thụ tinh trong ống nghiệm để giúp các cặp vợ chồng bị sinh tinh giữa chừng hoặc không có tinh trùng trưởng thành thực hiện thiên chức làm cha. Chúng tôi đã gửi nhân viên sang đó học để về triển khai tại bệnh viện và kết quả đã mang lại nhiều hứa hẹn. Tuy vẫn có tỷ lệ thành công nhất định không phải đạt được 100% nhưng đã mở ra một cánh cửa hy vọng thì vẫn tốt hơn không có cánh cửa nào” – PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.
Bằng kỹ thuật “ghép đôi” thành công tinh tử (tinh trùng non tháng) của người chồng với trứng của người vợ, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã giúp những người tưởng đã mất hy vọng rồi lại tìm thấy hy vọng được làm bố từ chính khả năng của mình. Đây được xem là tin vui và là bước đột phá cho việc điều trị hiếm muộn tại Việt Nam./.