“Mắt lười” 

Tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa hiện nay, với 4 bệnh phổ biến là cận thị, viễn thị, loạn thị và đặc biệt là nhược thị. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ ngày càng gia tăng. 3 bệnh cận thị, viễn thị, loạn thị có thể khắc phục bằng cách cho trẻ đeo kính, tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có một số lượng đáng kể trẻ sẽ bị nhược thị và bên mắt bị nhược thị sẽ không nhìn được.

TS.BS. Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến cáo, việc điều trị tật khúc xạ cần phải bắt đầu từ sớm khi độ khúc xạ còn thấp và trẻ chưa có nhược thị thì mọi điều trị mới có tác dụng.

vov_tran_anh_tuan_bayt.jpg
TS.BS. Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. 

“Nếu trẻ bị nhược thị thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Trẻ 6-10 tuổi việc điều trị nhược thị rất hạn chế và trẻ trên 10 tuổi nhược thị hầu như là không khắc phục được nữa và trẻ sẽ phải chịu nhược thị, mất thị lực vĩnh viễn”, TS.BS. Vũ Anh Tuấn nói.

Nhược thị còn gọi là bệnh lý “mắt lười” thường gặp ở trẻ nhỏ và rất nguy hiểm vì chưa có thuốc đặc trị. Nếu phát hiện muộn nhược thị, việc điều trị là không thể. Các phương pháp điều trị nhược thị chỉ đạt hiệu quả tối ưu khi trẻ dưới 6 tuổi. Từ 6 tuổi trở lên, chức năng thị giác của trẻ đã dần hoàn thiện, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn và nếu điều trị thành công thì cũng không thể phục hồi thị lực tối đa.

TS.BS. Vũ Anh Tuấn khuyến cáo: “Cha mẹ nên đưa con đi khám mắt định kỳ vào các thời điểm trẻ 2-3 tuổi và thời điểm lúc bắt đầu đi học, để phát hiện trẻ các tật khúc xạ không hoặc bị các bệnh khác gây giảm thị lực để có biện pháp điều trị kịp thời”.

Hơn 50% học sinh cấp 3 bị cận thị

Cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực, là một trong năm nguyên nhân gây mù lòa. Tại Việt Nam, khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 10-15% trẻ em ở độ tuổi 6-15 tuổi sinh sống tại nông thôn, còn ở khu vực thành thị, con số này lên đến 20-40%. Tỷ lệ cận thị ở học sinh cấp 3 từ 50-55%, tùy theo con số điều tra ở các địa phương khác nhau. Tuy nhiên, so với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… tỷ lệ này lên tới 80-90% học sinh cấp 3 bị cận thị.

Theo TS.BS. Vũ Anh Tuấn, nguyên nhân chủ yếu là hiện nay học sinh phải gánh một khối lượng bài vở học hành quá nặng, quá sức chịu đựng của con mắt. Bên cạnh đó, là những thói quen không khoa học, như việc sử dụng quá nhiều máy tính, điện thoại đi động, trò chơi điện tử… Tất cả những yếu tố này làm cho con mắt của học sinh nhanh chóng bị cận thị. Điều kiện tại các trường học về ánh sáng, kích thước của bàn ghế theo lứa tuổi của học sinh cần phải được đảm bảo để góp phần khắc phục tình trạng cận thị.

Các bạn nhỏ cùng bố mẹ tới tham dự Hội thảo Phòng chống tật khúc xạ học đường do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dù là tật khúc xạ phổ biến nhưng nếu không được chăm sóc và bảo vệ kịp thời, cận thị sẽ khiến “bộ đôi” quan trọng nhất của mắt là thủy tinh thể và võng mạc gặp nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm gây mù lòa.

“Khi trẻ có thị lực kém sẽ có những biểu hiện như khi xem đồ vật gì cũng phải dí sát vào mắt hoặc ngồi sát vào tivi mới nhìn được. Đồng thời trẻ thường nheo mắt, dụi mắt, chảy nước mắt… Đây là những biểu hiện dễ nhận ra và các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám để đo thị lực, đo khúc xạ để có tư vấn và điều trị kịp thời”, TS.BS. Vũ Anh Tuấn cho biết.

Các chuyên gia nhãn khoa cũng cảnh báo từ 0-17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh. Nguy hiểm hơn, những biến chứng về đáy mắt, luôn rình rập khiến người có độ cận thị cao (trên 6 Diop) có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn./.