Trước đây, đường vào được cho là kinh điển của kỹ thuật nút mạch điều trị phì đại tuyến tiền liệtmở từ động mạch đùi. Gần đây, các bác sĩ BV Việt Đức (Hà Nội) đã có cách tiếp cận từ động mạch quay (cánh tay), giúp người bệnh có thể tự ngồi dậy đi lại ngay sau làm thủ thuật.

Tiến bộ vượt bậc trong can thiệp mạch máu

Theo TS.BS Lê Thanh Dũng, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Việt Đức, tuyến tiền liệt (TTL) là tuyến sinh dục nằm giữa bàng quang và trực tràng, ôm quanh niệu đạo sau cổ bàng quang. Trước đây, phì đại lành tính TTL khá phổ biến ở nam giới sau tuổi trung niên, nhưng ngày nay, bệnh có xu hướng trẻ hóa. Khoảng 8% số người ở độ tuổi 31-40 có tăng sản lành tính TTL, và 80% số người trên 70 tuổi. Đa số bệnh nhân thường không có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh này.

tuyen_tien_liet_ljhs.jpg
Các bác sĩ BV Việt Đức (Hà Nội) đã có cách tiếp cận mới trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt.

“Dù là bệnh lành tính, nhưng khi tăng sản phì đại TTL sẽ cản trở đường tiết niệu dưới, khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền toái về rối loạn tiểu tiện như: bí tiểu, tiểu nhiều về đêm, tiểu buốt, tiểu ngắt quãng không hết, phải rặn, nước tiểu tồn dư sau đi tiểu… ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng cuộc sống. Nếu để lâu hoặc triệu chứng không được cải thiện, có thể bị biến chứng nguy hiểm như sỏi bàng quang, rối loạn chức năng cương dương, viêm bàng quang, ứ nước thận do trào ngược bàng quang niệu quản, thậm chí bệnh nặng gây tạo sỏi, suy thận và có thể tử vong…”, TS. BS Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.

Hiện nay, phương pháp chữa trị nội khoa là lựa chọn đầu tiên đối với các trường hợp u phì đại mà các triệu chứng ở mức độ trung gian. Điều trị nội khoa có thuốc ức chế rất tốt, giảm tăng kích thước của TTL và bàng quang, giúp người bệnh đi tiểu dễ dàng, nhưng chỉ được một giai đoạn nhất định. Khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì BN phải can thiệp phẫu thuật bóc tách khối u. Tuy nhiên, khi phẫu thuật bệnh nhân phải gây mê hồi sức và có thể có các nguy cơ sau mổ như: tiểu không kiểm soát, xuất tinh ngược dòng (80%), rối loạn cương dương… làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

“Nút mạch tiếp cận theo động mạch quay giúp BN phì đại TTL không mất máu, giảm biến chứng, có thể tự đi lại bình thường ngay sau can thiệp và xuất viện sau 24h. Đặc biệt, kỹ thuật này giúp người trẻ tuổi bảo tồn được chức năng sinh hoạt tình dục, kể cả các BN có kích thước khối u TTL lớn hơn 100g”- TS.BS Lê Thanh Dũng.

Để khắc phục những nhược điểm kể trên, một số BV đã áp dụng phương pháp điều trị mới: Can thiệp làm thuyên tắc động mạch TTL - là một kỹ thuật ít xâm lấn, can thiệp tối thiểu. Đây là tiến bộ vượt bậc về can thiệp mạch máu của chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và đã được áp dụng rộng rãi từ năm 2010 tại nhiều nước trên thế giới.

Để thực hiện kỹ thuật này, đường đi được cho là kinh điển là các kỹ thuật viên sẽ luồn một ống thông vào động mạch đùi (trái hoặc phải) đến động mạch nuôi TTL dưới hướng dẫn của siêu âm màn hình tăng sáng của số hóa xóa nền để bơm hạt gây tắc mạch. Nút tắc động mạch cung cấp máu, làm cho tuyến này không được nuôi dưỡng và nhỏ dần đi, từ đó giảm dần hoặc mất các triệu chứng lâm sàng, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

“Với phương pháp này sẽ hạn chế được các nguy cơ, rủi ro do phẫu thuật mở, đặc biệt hạn chế tình trạng xuất tinh ngược dòng, ít rối loạn cương dương, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phương pháp này còn một số nhược điểm như: BN phải nằm bất động từ 6-8 tiếng sau can thiệp, và có nguy cơ chảy máu trong tiểu khung”, TS.BS Dũng nhấn mạnh.

Can thiệp qua động mạch quay, giảm nhiều biến chứng                       

Để bắt nhịp với xu thế phổ biến của thế giới, từ 2016, BV Việt Đức đã cải tiến cách tiếp cận qua động mạch quay trong lĩnh vực điều trị can thiệp nội mạch, giúp cho bệnh nhân không phải nằm bất động tại chỗ, có thể đi lại ngay sau thủ thuật, giảm được thời gian nằm viện và các hạn chế trong sinh hoạt cá nhân.

“Kỹ thuật can thiệp qua động mạch quay đã được sử dụng trong can thiệp tim mạch. Các thủ thuật can thiệp nội mạch như nút động mạch điều trị ung thư gan, u xơ tử cung, phì đại TTL, lạc nội mạc tử cung… đã được khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện và mục tiêu trong thời gian tới là 50% số bệnh nhân sẽ được thực hiện theo phương pháp này”, TS.BS Dũng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, 64 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội, cách đây 7 năm từng lo lắng sẽ không qua khỏi khi phát hiện ung thư gan, khối u có đường kính 4cm. Ông Tường đến BV Việt Đức khám bệnh thì phát hiện thêm khối u phì đại TTL. Tuy nhiên, do sức khỏe không đảm bảo, nên chỉ được can thiệp nút mạch điều trị khối u gan trước, sau đó sức khỏe ổn định mới điều trị tiếp TTL. “Nếu như ngày trước bác sĩ Dũng nút mạch điều trị u gan đi từ đường đùi, thì năm ngoái điều trị phì đại TTL, bác sĩ Dũng chọn đường đi từ cánh tay. Sau can thiệp, tôi tự đi lại và được xuất viện sau 24h. Đặc biệt, sau 3-4 tháng, khối u TTL từ 69g giảm còn 36g và tôi thấy sức khỏe của mình cải thiện rõ rệt từng ngày. Đến nay, các triệu chứng tiểu đêm, tiểu buốt và các triệu chứng rối loạn tiểu tiện không còn hành hạ tôi nữa”, ông Tường vui mừng nói.

 TS.BS Lê Thanh Dũng cho biết, bệnh nhân sau khi được chẩn đoán u phì TTL, đã loại trừ các trường hợp ung thư TTL bằng xét nghiệm và sinh thiết, bác sĩ áp dụng phương pháp nút thắt theo động mạch quay./.