Chúng ta chưa hết bàng hoàng vì “Lão Quềnh” – Hán Văn Tình đã ra đi sau 1 năm chiến đấu với ung thư phổi, thì cùng ngày 4/9 gia đình ca sĩ Minh Thuận – Á quân Gương mặt thân quen mùa 2 cũng thông báo anh mắc căn bệnh quái ác này.

Vậy ung thư phổi là gì? Vì sao bệnh nguy hiểm đến như vậy?

nghe_si_mac_ung_thu_600x431_ugko.png
Một số nghệ sĩ nổi tiếng bị chẩn đoán ung thư.

Liên tiếp các nghệ sĩ mắc ung thư

Thời gian gần đây, chúng ta liên tục nhận được tin các nghệ sĩ ra đi vì ung thư như người mẫu Duy Nhân mắc ung thư vòm họng, ca sỹ Trần Lập mắc ung thư đại trực tràng, nghệ sĩ Văn Hiệp mắc ung thư phổi, hay câu chuyện xúc động của người mẹ thiếu úy công an Huyền Trâm đã từ bỏ điều trị ung thư phổi để sinh con…

Gần đây nhất là nghệ sỹ Hán Văn Tình – người đã chống chọi khoảng 1 năm với căn bệnh ung thư phổi đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào trưa ngày 4/9, khi mới 59 tuổi. Chưa hết bàng hoàng với tin này, cùng ngày 4/9, người thân của ca sỹ Minh Thuận – Á quân Gương mặt thân quen mùa 2 thông báo anh cũng mắc ung thư phổi và hiện tại diễn biến bệnh rất xấu.

Có thể nói rằng, số người mắc ung thư phổi chiếm đa số. Và điều đáng nói là, đa số những nghệ sĩ không may mắc phải căn bệnh này, đều phát hiện bệnh quá muộn và ra đi rất nhanh sau đó. Những người đã qua đời vì căn bệnh này chỉ từ ngoài 40 tuổi – độ tuổi còn quá trẻ.

Vậy ung thư phổi là gì? Vì sao bệnh nguy hiểm đến vậy? Và có cách nào để bảo vệ mình hay không?

Ung thư phổi là một khối u ác tính bắt nguồn từ phổi, đặc trưng bởi sự tăng trưởng mất kiểm soát của các tế bào trong phổi. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, sự tăng trưởng này có thể lan rộng ra ngoài phổi, di căn tới các mô lân cận và các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư phổi chiếm 13% trong số các loại ung thư, nhưng tỷ lệ tử vong chiếm tới 28%. Với con số này, ung thư phổi là bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới, và tỷ lệ mắc cao nhất ở cả nam và nữ.

Vì sao ung thư phổi đáng sợ đến như vậy?

Ung thư phổi là bệnh ung thư nguy hiểm nhất trong số tất cả các bệnh ung thư.

Phát triển nhanh với tốc độ kinh ngạc: Ung thư phổi là bệnh rất nguy hiểm bởi nó có khả năng phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.Trong đó, thể ung thư phổi tế bào nhỏ còn có tốc độ phát triển nhanh gấp đôi ung thư phổi không tế bào nhỏ và nhanh chóng di căn xa.

Thường không gây triệu chứng ở giai đoạn đầu: Ung thư phổi thường không gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu do bên trong phổi có nhiều chỗ để khối u phát triển mà chưa tạo ra áp lực vào phổi.

Đó là lý do hầu hết bệnh ung thư phổi được phát hiện khi đã ở giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn cuối. Trên thực tế, chỉ có khoảng gần 1/3 số bệnh nhân may mắn phát hiện bệnh ở những giai đoạn đầu.

Đôi khi, các triệu chứng mơ hồ có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu nhưng hoàn toàn không đặc hiệu. Người bệnh thường lầm tưởng là những bệnh thông thường khác.

Các triệu chứng thường gặp của ung thư phổi:

Triệu chứng liên quan tới hệ hô hấp: ho dai dẳng, ho ra máu, thở khò khè, hoặc khó thở.

Các triệu chứng toàn thân: sụt cân, cơ thể suy nhược, sốt, sưng đầu ngón tay

Các triệu chứng do ung thư ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể: đau ngực, đau xương, khó nuốt…

Các triệu chứng của ung thư phổi có thể khá giống với các điều kiện bệnh lý thông thường. Vì vậy, khi gặp bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, kéo dài, bạn nên đi khám ngay.

Không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi: Mặc dù 90% số người ung thư phổi có hút thuốc lá, nhưng không có nghĩa là không hút thuốc thì không mắc bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi: hút thuốc lá, hít phải khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với các hóa chất độc hại…

Tiên lượng xấu hơn các bệnh khác: Ung thư phổi thường khó điều trị và tiên lượng thấp hơn các bệnh khác, trừ khi bệnh được phát hiện sớm. Đa số những trường hợp bị chẩn đoán muộn chỉ sống được từ 6 tháng – 1 năm.

Phải làm gì để bảo vệ mình khỏi căn bệnh quái ác này?

Ung thư phổi có thể gặp ở bất kỳ ai, và nghiêm trọng hơn, bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ, những người không hút thuốc. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, tất cả chúng ta cần phải hành động ngay:

Không hút thuốc lá: Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc ngay bởi thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ giảm dần khi ngừng hút thuốc.

Tránh xa khói thuốc lá: Hít phải khói thuốc lá là nguyên nhân số 1 gây ung thư phổi ở người không hút thuốc.

Tránh những nơi khói bụi, không khí ô nhiễm

Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại

Chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe

Tầm soát ung thư phổi: đặc biệt cần thiết cho những người từ trên 40 tuổi, hoặc dưới 40 tuổi nếu có hút thuốc lá, gia đình có người mắc ung thư phổi. Với các phương pháp như chụp CT phổi, có thể phát hiện khối u nhỏ tới 1mm, tăng cơ hội điều trị thành công./.