Kháng kháng sinh đang là thách thức lớn cho loài người. Đây là trăn trở của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tại Hội thảo “Chương trình hành động phòng chống kháng thuốc” diễn ra sáng nay (21/11).

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, từ 18 công ty nay chỉ còn 4 công ty sản xuất kháng sinh. Kháng sinh mới tìm ra ngày càng hiếm mà thời gian tác dụng ngày càng ngắn. Đặc biệt, với loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay gần như đều hết tác dụng, đã bị virus kháng đến khoảng 80%.

Cũng theo BS Châu, tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức Y tế thế giới ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm.

Theo các chuyên gia, hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt được hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Nguyên nhân được cho là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn diễn ra thường xuyên (với hơn 88% người dân sử dụng thuốc không cần kê toa); sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, không đúng hướng dẫn của cán bộ y tế; kê đơn thuốc không hợp lý; lây truyền vi khuẩn kháng thuốc từ người sang người ở các cơ sở khám chữa bệnh; từ vật nuôi qua người do sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện gây tồn dư thuốc....

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, kháng sinh chỉ là một vũ khí trong nhiều vũ khí khác để đối phó với vi sinh vật xâm nhập cơ thể. Vì vậy cần kiểm soát và truyền thông đẩy mạnh thông tin về vấn đề kháng thuốc cả ở trong bệnh viện và các nhà thuốc hiện nay: "Không phải lúc nào cũng dùng kháng sinh, mà có những tình huống không cần dùng kháng sinh, cơ thể khỏe mạnh, miễn dịch tốt. Đối với những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine thì cần phải tiêm ngừa để tạo miễn dịch chủ động, bảo vệ cơ thể"./.