Trầm cảm là một bệnh phổ biến. Bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập và các chức năng xã hội của người bệnh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. |
Bệnh biểu hiện với những triệu chứng buồn chán, bi quan, ngại tiếp xúc với mọi người, không muốn giao tiếp, làm việc mệt mỏi, kém tập trung vào công việc, giảm sút hiệu quả làm việc, mất đi những sở thích cũ, mất ngủ, ăn không ngon miệng, gầy sút cân… Trường hợp bị trầm cảm nặng có thể có hành vi tự sát. |
Với người bị bệnh trầm cảm, nếu hiểu và dùng đúng thuốc sẽ có hiệu quả, bệnh sẽ ổn định trong thời gian dài. Thuốc chống trầm cảm đã thay đổi rất nhiều trong vài năm qua, chúng ta có thể chọn ra loại phù hợp nhất với triệu chứng và cơ thể của mình. |
Các bệnh phối hợp: Ở bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, nhiều khi còn có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như các bệnh về tim, phổi hay thận… Điều này khiến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm trở nên khó khăn hơn do gặp phải những tương tác bất lợi của các thuốc dùng cùng. Thuốc chống trầm cảm là một loại thuốc cần thiết dùng lâu dài trên bệnh nhân trầm cảm và phải được sự chỉ định của bác sĩ. |
Những tác dụng phụ thường thấy nhất ở thuốc chống trầm cảm: Thuốc ngăn ngừa hấp thụ ngược serotonin (SSRI) là loại thuốc chống trầm cảm thường được kê nhất. Hai trong số các tác dụng phụ và thường gây ra nhiều vấn đề nhất đó là tăng cân và các vấn đề tình dục. Những tác dụng phụ khác thường bao gồm: Các triệu chứng thể lý nhẹ như chóng mặt, nhức đầu, đau cơ và tiêu chảy; buồn nôn; buồn ngủ ban ngày; khó ngủ, thay đổi khẩu vị. |
Kiên trì điều trị: Thuốc chống trầm cảm có thể cần tới 8 tuần trước khi bắt đầu thấy hiệu quả. Do đó, không nên sốt ruột mà cần theo hết phác đồ điều trị. Nếu bạn không uống đúng thuốc, đúng liều được kê, bạn đã bỏ lỡ cơ hội để thuốc có tác dụng. Khi quên một liều thuốc, cần gọi điện và hỏi ý kiến của bác sĩ ngay để được hướng dẫn dùng thuốc cho lần tiếp theo. |
Theo dõi tác dụng phụ của thuốc: Tác dụng phụ là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bỏ thuốc. Khi gặp phải những tác dụng phụ, người bệnh cần phải trao đổi lại với bác sĩ điều trị để có hướng xử lý kịp thời. |
Cần mang theo đơn thuốc cũ khi đi khám bệnh: Cho bác sĩ điều trị trầm cảm biết các loại thuốc bạn đang dùng hoặc được bác sĩ khác kê đơn vì có một vài loại thuốc có thể có phản ứng bất lợi với thuốc chống trầm cảm. Biết được điều này bác sĩ sẽ cân nhắc khi kê đơn để hạn chế thấp nhất bất lợi do tương tác thuốc gây ra. |
Không tự dừng thuốc: Đừng bao giờ dừng uống thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Trong trường hợp cần phải dừng thuốc vì một lý do nào đó, thì bác sĩ có thể giảm liều bạn đang dùng dần dần. Nếu bạn ngưng đột ngột, bạn có thể gặp tác dụng phụ và cơn trầm cảm của bạn có thể trở nên tệ hơn. |
Nên kết hợp việc dùng thuốc với chuyên gia tâm lý: Mặc dù chuyên viên tư vấn không phải là bác sĩ và kê đơn thuốc cho bạn, nhưng họ được huấn luyện để đánh giá tâm lý và điều trị tâm lý. Do vậy, bạn có thể làm việc cùng với nhà tâm lý học trong khi dùng thuốc sẽ hỗ trợ rất nhiều trong điều trị. |