Những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý về tim mạch như tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và hút thuốc lá… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân không kém là stress.
Có thể đột tử vì stress
Trong cuộc sống hiện đại, gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi mạng sống của khoảng 17,5 triệu người. Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ tử vong có 1 người chết do bệnh lý tim mạch. Và mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra mắc các bệnh tim bẩm sinh. Theo WHO, kiểm soát tốt công việc làm giảm 2 - 3 lần nguy cơ bị các bệnh tim mạch.
PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội chia sẻ, có hai loại stress là cấp tính và mãn tính. Stress cấp tính xảy ra với một người có sức khỏe bình thường nhưng bất ngờ bị chấn động về tâm lý khi nghe một tin đau buồn như mất người thân, mất việc làm, nghỉ hưu, bị kỷ luật… khi đó não sẽ kích thích các cơ quan khác như tuyến thượng thận, tiết ra các hóc-môn stress, khiến tim đập nhanh hơn, mạch co lại, cảm giác sẽ bồn chồn… Nếu bị stress quá mạnh khiến mất ngủ, kém ăn. Nếu bị nặng sẽ gây nhồi máu cơ tim, đột tử.PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội |
Còn stress mãn tính xảy ra liên tục, gây căng thẳng mệt mỏi. Stress làm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Hóc-môn do stress tiết ra nhiều làm các tế bào nội mạc mạch máu bị tổn thương, lâu dài sẽ giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến suy tim, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, mặt nổi trứng cá, thậm chí khó có thai, còn đàn ông dễ mắc chứng bất lực… Nếu biến chứng xảy ra ở não sẽ gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
“Hiện nay, stress, trầm cảm, hay một số bệnh liên quan đến tâm lý là một trong những bệnh không lây nhiễm mà chúng ta phải phòng ngừa và điều trị, đó cũng là Quyết định số 376/CT-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025”, PGS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Tập luyện và có lối sống lành mạnh
Theo PGS Tuấn: “Phần lớn stress là do bản thân mình tạo ra. Như Phật đã dạy: “biết đủ là đủ”. Nhiều người không biết đủ, không biết khả năng của mình đến đâu, không bằng lòng với chính mình, thấy người khác thành công hơn thì ghen ghét và đố kỵ… Tất cả cái đó còn khủng khiếp hơn rất nhiều những stress mà do môi trường tác động”.
So với những yếu tố, nguy cơ tạo nên bệnh tim mạch như ăn mặn hay các bệnh lý chuyển hóa..., thì yếu tố tạo bệnh tim từ stress lại rất khó để đo đếm được, bởi đây là vấn đề thuộc về tinh thần. Mặc dù biết chắc chắn bị tác động bởi stress, nhưng khi tiến hành làm một số xét nghiệm thì rất phiền phức.
PGS Tuấn nhớ lại một trường hợp mà ông gặp cách đây 17-18 năm - vào thời điểm đó, các nghiên cứu trên thế giới chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng bệnh tim mạch liên quan đến stress.
Đó là một vận động viên bóng đá rất nổi tiếng nhập viện với bệnh cảnh như bị nhồi máu cơ tim (tức là khó thở, tim giãn ra, men tim tăng). Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp động mạch vành, kết quả cho thấy hoàn toàn bình thường. Nhưng khi siêu âm tim thì thấy mỏm tim của bệnh nhân đó phình ra như quả bóng.
“Tôi thấy làm lạ và không hiểu sao như vậy. Chúng tôi tiếp tục theo dõi, tuy nhiên khi gần bệnh nhân hơn, tâm sự thì thấy vận động viên này sinh hoạt rất điều độ và lành mạnh, nhưng khi nghe bệnh nhân kể: trước ngày vào viện, anh có nghe 1 tin sét đánh, đó là cậu con trai duy nhất của anh bị trượt chân ngã nhẹ nhưng gáy đập vào cạnh bàn, không chảy máu nhưng ngay lập tức bị mù 2 mắt”, PGS Tuấn kể và cho rằng: “Stress có thể còn bóp nghẹt trái tim, làm hoại tử cơ tim. Vì thế, nếu tránh được stress càng nhiều càng tốt”.Giảm stress bằng tập yoga, tập thiền và đi bộ rất hiệu quả |
Chính vì vậy, sự thay đổi thói quen sinh hoạt xấu, chế độ ăn uống tập luyện phù hợp, tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ và dùng thuốc để trái tim khỏe mạnh. Bên cạnh đó, làm giảm stress bằng tập yoga, tập thiền và đi bộ rất hiệu quả./.
Trong cuốn sách “Tự sự của trái tim”, tác giả - PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn đã gửi đến đông đảo bạn đọc một thông điệp: “Ta có thể tự cứu mình nếu thực sự ta muốn”, cũng như cách làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Tác giả cũng dành nhiều trang nghiên cứu về stress, sự ảnh hưởng của stress đến tim mạch cũng như cách chữa stress hiệu quả bằng thiền định, tâm lý liệu pháp…