F0 cần làm gì khi tự điều trị ở nhà?
F0 được chia làm 3 loại cụ thể:
- Không triệu chứng: Ở một mình trong phòng cho tới khi âm tính. Sinh hoạt bình thường, ăn uống bình thường, tập thể dục và tập thở vừa, theo dõi triệu chứng trở nặng.
- Có triệu chứng nhẹ và trung bình: Nằm nghỉ, ăn nhẹ, dễ tiêu, ít đạm, ít béo, không tập thể dục, tập thở rất nhẹ, cố gắng ngủ thật nhiều.
- Triệu chứng nặng và rất nặng: Gọi điện thoại cho bệnh viện, nằm đầu cao, hạn chế cử động mạnh, hít thở rất nhẹ nhàng, húp nước cháo loãng.
Cả 3 loại F0 cần tự răn mình:
- Tự chịu đau nhức và mệt mỏi. Cứ nằm dài ra và nghĩ: Đau nhức không chết, mệt mỏi không chết, chỉ còn thở được nhẹ nhàng là sống sót, không được vật vã hoảng sợ, phải để dành oxy cho tim gan thận não… 4 cơ quan đó mà còn hoạt động tốt là mình còn sống.
- Không uống thuốc gì nếu không có chỉ định của bác sĩ. Chỉ uống hạ sốt nếu sốt cao trên 38 độ. Sốt nhẹ nhẹ thì nằm nghỉ, nhiệt độ cao chút là để hệ miễn dịch tăng hoạt động giết virus trong người mình.
Một số việc người chăm sóc và người bệnh COVID-19 cần lưu ý
- Trong thời gian bệnh cấp tính và chưa ổn định được các rối loạn chức năng (như phản ứng viêm, rối loạn nước điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan…), thì việc nuôi dưỡng bệnh nhân ngay cả trong phòng hồi sức cũng chỉ dám truyền dung dịch glucose. Chất đạm chất béo mà truyền không cẩn thận là bệnh nhân có khi gặp nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, thói quen nấu đồ ăn bổ dưỡng để tăng sức đề kháng chống bệnh khi bệnh đang bắt đầu trở nặng là lý thuyết truyền miệng sai về mặt sinh lý. Quan trọng nhất là dành số oxy rất khan hiếm trong cơ thể cho việc tiêu hoá chất đạm chất béo hay hấp thu và chuyển hoá mấy chất đó.
- Việc dùng thuốc chắc chắn phải có chỉ định. Không tự ý mua kháng sinh, kháng viêm, kháng đông… về uống. Mọi loại thuốc đều có tác dụng phụ, ngay cả Paracetamol hạ sốt cũng sẽ gây hại cho gan nên uống bao nhiêu, bao nhiêu lâu mới uống lại… đều phải nằm trong ngưỡng an toàn. Dùng đúng, chưa chắc sống sót được với COVID-19 (vì trị triệu chứng, không phải trị COVID-19), còn dùng sai thì có khi không sống sót được với tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, phải có BS tư vấn cho dùng thuốc trong trường hợp cụ thể ngay lúc đó, không được uống theo các toa thuốc lưu truyền trên mạng.
- Nước chanh gừng xả tắc… chủ yếu là giúp tăng thông thoáng đường hô hấp, nhưng nếu uống với liều cao và trên những cơ địa nhạy cảm, có khi còn làm tăng nguy cơ kích thích đường ruột, thần kinh thực vật, gan thận… Điều quan trọng nhất là loại nước này không làm tăng khả năng sống sót với bệnh COVID-19.
- Các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi, mất khứu giác vị giác, ăn nhiều một chút là nôn ra, nóng bức, đổ mồ hôi nhiều (do thuốc hạ sốt)… là chuyện thường gặp nhất và kéo dài, nhưng lại không đe doạ khả năng sống sót của người bệnh. Lúc đó mà lăn lộn, vật vã, kêu khóc, lo lắng, hoang mang… thì nguy cơ sẽ cao hơn, vì oxy khan hiếm trong cơ thể đã bị dùng cho những chuyện không duy trì sự sống sót như thế.
- Các F0 cố gắng không hoảng loạn, cố gắng tự mình chịu đựng các triệu chứng khó chịu nhưng ít nguy cơ, tập trung vào việc thở để cung cấp oxy và tiết kiệm oxy nhiều nhất cho việc chống bệnh bằng cách nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, đừng vật vã, khóc lóc kể lể; chỉ cần húp cháo loãng, uống nước ấm nhiều lần trong ngày, thêm một viên đa sinh tố là đủ. Các tế bào sẽ sống sót với ít oxy, ít glucose, và đủ nước. Sống sót rồi sẽ “xây dựng” lại cơ thể sau.
- Các F1: Chăm sóc người bệnh bằng lòng yêu thương, ai cũng hiểu và trân trọng điều đó. Nhưng luôn cần ý thức tránh để mình bị lây bệnh, vì trong tình huống hỗn loạn hiện nay thì có khi mình là chỗ dựa cho những người khác nữa (như con cái nhỏ, cha mẹ già…). Nếu mình F1 hoặc người nhà kiệt sức, hoặc mắc bệnh, lúc đó bài toán chăm sóc người bệnh tại nhà sẽ nan giải./.