Thị xã An Nhơn là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyếtnhiều nhất tỉnh Bình Định. Theo Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, tính đến cuối tháng 4, toàn thị xã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 650 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế thị xã và các trạm y tế đã phát hiện và xử lý 22 ổ dịch tại 8/15 xã phường.

sot_1_vov_zudp.jpg
 Số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng nhanh.

Bác sĩ Cao Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đã tiến hành nhiều đợt phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các ổ dịch. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh tại các trường học, cộng đồng dân cư và thông tin cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trên hệ thống loa truyền thanh. Theo bác sĩ Cao Văn Bảy, diễn biến dịch sốt xuất huyết còn phức tạp, do vậy, cần có sự hợp tác, chủ động phòng chống dịch bệnh của người dân.

“Cần loại bỏ các ổ bọ gậy trong gia đình, xung quanh nhà và phối hợp với cơ quan y tế trong chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi. Người dân hưởng ứng mở cửa để đội phun hóa chất đi phun diệt muỗi và tham gia các đợt diệt bọ gậy do địa phương tổ chức”- BS Cao Văn Bảy cho biết. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết được bác sĩ thường xuyên theo dõi.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định ghi nhận hơn 2.500 ca sốt xuất huyết, bằng 80% tổng số ca bệnh sốt xuất huyết của năm 2018. Bác sĩ Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định giải thích,  theo dự đoán đây là chu kỳ dịch, cứ 3 năm bùng phát lại một lần. Tuy nhiên, diễn biến bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu bất thường vì đỉnh điểm dịch bệnh này thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12, cao điểm mùa mưa. Theo bác sĩ Lê Quang Hùng, rất cần sự chung tay của cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh.

“Đây là chu kỳ của dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện tượng Enino, nắng nóng khiến từ tết đến nay trên địa bàn Bình Định gần như không có hạt mưa nào. Nắng, khô hạn rất dữ dội khiến chu kỳ sinh sản của muỗi rất nhanh”- BS Lê Quang Hùng nói./.