Mắt hột là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất, đặc biệt ở các vùng có khí hậu nóng ẩm, trường sống chật chội và mất vệ sinh. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác và từ mắt này sang mắt khác do vệ sinh kém. Khi bệnh phát triển nặng và không được điều trị kịp thời, các hột sẽ vỡ ra và tạo sẹo làm kết mạc co lại. Ở mức độ nặng sẹo làm cho sụn mi ngắn lại và bờ mi lộn vào trong gây phát triển quặm. Nếu lông siêu /lông quặm không được điều trị sẽ gây loét giác mạc và biến chứng tới thủng giác mạc, viêm nội nhãn...
Điều trị bệnh mắt hột cần tuân theo phác đồ. Theo phác đồ của Tổ chức y tế thế giới (WHO), khi bệnh ở giai đoạn hoạt tính cần tra thuốc mỡ tetraxyclin 1% (hoặc erythromyxin) 8giờ/lần ít nhất trong 6 tuần phối hợp với rửa mặt bằng nước và xà phòng.
Điều trị tại mắt theo phác đồ cách quãng dựa vào gia đình hoặc cộng đồng có thể là cơ sở để phòng chống bệnh mắt hột ở những vùng có bệnh nặng : tra mỡ tetraxyclin 1%, cứ 12 giờ tra một lần, trong 5 ngày liền hoặc mỗi ngày 1lần trong 10 ngày liền ; mỗi năm dùng ít nhất 6 tháng liên tục. Bệnh mắt hột gây miễn dịch rất yếu hoặc hầu như không có miễn dịch. Sau khi được chữa khỏi, bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm.
Điều quan trọng là phòng mắc bệnh tại cộng đồng. Chương trình phòng chống bệnh mắt hột chỉ có kết quả nếu cộng đồng có đủ nước sạch để tắm rửa và vệ sinh cá nhân. Chẩn đoán sớm bằng các chương trình khám bệnh hàng loạt sẽ cho phép phát hiện những bệnh nhân , cụm dân cư và cộng đồng và từ đó sẽ tiến hành điều trị kịp thời. Tuy nhiên, những chiến dịch điều trị để thanh toán bệnh mắt hột sẽ không có hiệu quả nếu không cải thiện mức sống và thói quen vệ sinh của cả cộng đồng./.