Tĩnh mạch là một hệ thống thông minh của van một chiều có chức năng quan trọng, vận chuyển lượng máu ít oxy và sậm màu quay trở lại tim, để rồi từ đó được bổ sung dưỡng khí và lại tiếp tục hành trình nuôi dưỡng cơ thể. |
Tĩnh mạch cũng chính là các gân máu màu xanh nổi lên trên da. Tuy nhiên, có những người sở hữu làn da mạch xanh một cách chằng chịt và rõ ràng, trong khi người khác thì không. |
Do tự nhiên: Những người có màu da nhạt màu, tĩnh mạch cũng có màu nổi và dễ nhận biết hơn. Ngoài ra, những làn da mỏng cũng dễ làm tĩnh mạch nổi lên, đặc biệt là với người đã có tuổi. Một số trường hợp là do bẩm sinh đã có hệ thống tĩnh mạch nằm quá gần bề mặt da nên tay chân dễ nổi gân. |
Vận động quá mạnh: Khi bạn tập gym vơi cường độ cao, tay chân người tập sẽ có hiện tượng nổi gân hoặc biểu hiện rõ nhất đối với những vận động viên đua xe đạp. Theo chuyên gia y tế từ khoa Y ĐH Queensland (Úc) Bradley Launikonis, nguyên nhân là vì lượng máu rất lớn đổ dồn vào chân trong quá trình tập luyện và lưu lại ở đó. Mạch máu do vậy bị phình to, gây ra hiện tượng nổi gân rõ ràng. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tạm thời, khi nghỉ ngơi, cơ sẽ giãn ra, và mạch máu sẽ dần mờ đi. |
Phụ nữ mang thai: Để nuôi dưỡng thai nhi, lưu lượng máu trong cơ thể của phụ nữ mang thai luôn cao hơn người bình thường, và bởi vậy mà tĩnh mạch bị bơm căng rồi nổi hẳn lên da. |
Có lượng mỡ cơ thể thấp: Giống với những người sở hữu làn da mỏng, nếu lượng mỡ trong cơ thể ở mức thấp cũng dễ khiến tĩnh mạch nổi lên. Lượng mỡ thấp cũng đồng nghĩa với việc lớp mỡ dưới da mỏng, và không thể che lấp được hoàn toàn số tĩnh mạch nằm ẩn sau đó. |
Giãn tĩnh mạch hoặc viêm tĩnh mạch: Trường hợp làn da của bạn đột nhiên nổi gân, cộng thêm các triệu chứng như tức ngực, khó thở, viêm loét, hoặc sưng đau... thì bạn nên cân nhắc đi gặp bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh nghiêm trọng hơn, như giãn tĩnh mạch hoặc viêm tĩnh mạch. |