Từ ngày 4 – 12/3/2016, Tổ chức Phẫu thuật tạo hình Hoa Kỳ do GS Joseph Mark Rosen dẫn đầu sẽ đến Bệnh viện Saint Paul để thực hiện chương trình đào tạo, mổ thị phạm, trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Việt Nam về lĩnh vực phẫu thuật tạo hình.
Tham gia đoàn chuyên gia của GS Joseph Mark Rosen có nhiều chuyên gia hàng đầu của các bệnh viện, trường đại học y lớn ở Mỹ như Bệnh viện Đại học y Dartmouth, Pittsburgh, Griffin…
Một ca mổ của các bác sĩ bệnh viên Saint Paul |
Chương trình hợp tác giữa Tổ chức Phẫu thuật tạo hình Hoa Kỳ (RICE) với Bộ môn Phẫu thuật tạo hình Trường Đại học Y Hà Nội, cùng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Saint Paul gồm: Phẫu thuật bàn tay (chuyển ngón chân lên ngón tay, các tổn thương gân gấp bàn tay, khuyết phần mềm lớn ở bàn tay); tạo hình vú sau ung thư bằng vạt vi phẫu; che phủ khuyết phần mềm vùng đầu, mặt, cổ, chi bằng vạt vi phẫu; điều trị khớp giả xương chày bằng vạt xương mác; điều trị các tổn thương đám rối thần kinh cánh tay…
Tại sao phải tạo hình?
“Tạo hình” theo nghĩa đen là “tạo nên hình dáng” của một cơ quan, một bộ phận trên cơ thể. Trẻ em sinh ra bị dị tật, bệnh nhân bị biến dạng cơ thể sau phẫu thuật, vết thương chiến tranh, vết thương trong sinh hoạt và lao động, tai nạn ô tô và xe máy… tất cả tạo nên một dòng suối bệnh nhân không bao giờ kết thúc. Khuyết tật làm cho nạn nhân sống trong mặc cảm, người thân bị tẩy chay. Công việc của bác sĩ phẫu thuật tạo hình là cắt bỏ những khối u thừa, sửa chữa những dị tật bẩm sinh, khắc phục những biến dạng cơ thể. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình làm thay đổi cuộc sống.
Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Saint Paul cũng chính là Bộ môn Phẫu thuật tạo hình của Trường Đại học Y Hà Nội, do GS.TS Trần Thiết Sơn vừa làm trưởng Bộ môn cũng đồng thời là Trưởng khoa. Tại đây, ngoài công tác giảng dạy, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già, với đủ các mặt bệnh. Sau từng ca mổ, nhiều những nụ cười của niềm vui đã nở trên khuôn mặt người bệnh, bởi cuộc phẫu thuật đã làm thay đổi cuộc sống của họ.
Ca bệnh của 2 năm trước: tôi biết ơn các bác sĩ!
31 tuổi, Nguyễn Khắc Kiên cùng với người vợ trẻ làm công nhân chế biến thức ăn gia súc. Trong một lần điều khiển máy, do sơ suất tay phải của anh bị cuốn vào trục nghiền cám. Tai nạn đã cướp đi cả 4 ngón tay, còn lại duy nhất ngón út, tỉ lệ thương tật cơ thể khoảng 43%.
Khi được hỏi về những tháng ngày khó khăn nhất, vợ anh Kiên rùng mình kể lại: “Nhiều tháng sau tai nạn, chồng tôi vẫn bị sốc nặng về mặt tinh thần. Mọi công việc bắt đầu đè nặng lên vai tôi, gia đình tôi nhanh chóng rơi vào khó khăn, bởi trước đó chồng tôi là lao động trụ cột”.
“Tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bực bội khó chịu, bởi tôi không thể làm được những việc người khác làm” – anh Kiên chia sẻ thêm.
Tháng 3/2014, anh Kiên nghe thấy có đoàn chuyên gia phẫu thuật tạo hình hàng đầu của Mỹ đến Bệnh viện Saint Paul, anh nhờ vợ đến xin đăng kí vào danh sách khám sàng lọc.
Giáo sư Rosen đã khám, tư vấn và trực tiếp mổ cho anh Kiên. GS Trần Thiết Sơn, người tham gia cuộc mổ cùng Gs Rosen đã kể lại: “Ca phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay cái cho anh Kiên hết sức phức tạp, kéo dài nhiều giờ đồng hồ, bởi liên quan đến kĩ thuật nối vi phẫu gân, mạch máu và thần kinh”.
“Tôi cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc khi ngón tay cái được sinh ra một lần nữa từ chính ngón chân của tôi. Sau mổ tôi đã đi được xe máy, trở lại xưởng chế biến thức ăn gia súc làm việc. Tôi có thể cử động gần như bình thường ngón “tay cái”, đặc biệt là có cảm giác khi cầm nắm hay làm việc gì đó” – anh Nguyễn Khắc Kiên tâm sự.
“Đó là điều vô cùng kỳ diệu, tôi rất biết ơn các bác sĩ” – anh Kiên nhớ lại./.