Bé Nguyễn Thanh Tùng (2 tháng tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị sốt 4 ngày, nổi ban đỏ khắp người và xét nghiệm dương tính với virus sởi do bị lây từ bố mẹ. Sau khi khám tại Bệnh viện E, bé đã được các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

“Khi bé được hơn 1 tháng thì cháu bị viêm phổi, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn khoảng 10 ngày. Bố cháu chăm cháu ở viện về thì bị sốt, nổi ban khắp người, sau khi làm các xét nghiệm thì bác sĩ chẩn đoán bố cháu bị sởi, sau đó đến mẹ cháu cũng bị. Tôi nghĩ bố mẹ cháu đã bị lây chéo ở trong viện nên khi về nhà đã lây sang cho cháu”- bà Hán Thị Hà, bà của cháu bé nói.

vov_mac_soi_1_da_sua_bvmf.jpg
Bệnh nhi mắc sởi được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cũng có con bị mắc sởi đang điều trị tại khoa Truyền Nhiễm, chị Nguyễn Thị Vê  (ở Hà Tĩnh) cho biết, ban đầu thấy bé sốt, gia đình chị nghĩ bé sốt mọc răng. Sau đó con bị sốt cao liên tục không hạ nên gia đình đã đưa bé vào bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây không tìm ra nguyên nhân nên gia đình đưa bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi cấp cứu. Sau 2 ngày thấy bé nổi ban khắp người, các bác sĩ nghi bé bị sởi nên đã cho vào phòng cách ly.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những năm trước, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca sởi/năm. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2018, số ca mắc sởi nhập viện điều trị là khoảng 250 ca. Hiện có khoảng 20 trẻ mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi tiếp nhận điều trị cho 1 bệnh nhi sơ sinh mới 14 ngày tuổi mắc sởi cùng với mẹ. Không chỉ những trẻ từ 9 tháng tuổi mắc sởi do không được tiêm phòng mà ngay cả với những trẻ chưa đến tuổi tiêm cũng mắc bệnh. Điều này cho thấy, miễn dịch trong cộng đồng và trong nhóm tuổi của bà mẹ sinh đẻ đang giảm xuống”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, năm nay bệnh sởi diễn biến rải rác trong năm mà không tập trung vào một thời điểm nào. Vị chuyên gia này lo ngại, đây có thể là thời điểm chu kỳ bùng phát dịch sởi quay lại sau 4 năm.

 “Tại thời điểm này con số nằm viện có cao hơn so với các tháng trước là 20 bệnh nhân (trong khi các tháng trước chỉ 8 – 10 bệnh nhân), vì vậy những người làm công tác quản lý y tế cần có sự chuẩn bị. Đặc biệt là công tác truyền thông đến cộng đồng, các bậc phụ huynh về phòng chống dịch sởi, nhằm hạn chế tối đa số ca mắc sởi trong năm nay”- PGS.TS Trần Minh Điển nêu rõ.

Theo các chuyên gia y tế, virus sởi lây lan rất mạnh, bởi vậy, khi có người mắc sởi, cần cách ly người bệnh để phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh. Trong đó cần đẩy mạnh việc phòng chống phơi nhiễm tại bệnh viện.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương.
PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo, trong cộng đồng, cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ. Khi phát hiện trẻ bị sốt phát ban, cần chú ý và có biện pháp phòng tránh vì sởi có tốc độ lây nhiễm mạnh. Điều quan trọng là các cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng theo lịch hẹn và theo đúng lứa tuổi.

“Hiện nay chúng ta đang quy định trẻ 9 tháng tuổi sẽ tiêm phòng sởi. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng của chúng ta đang giảm xuống nên chúng tôi cũng đang có đề nghị với Bộ Y tế để tiến hành tiêm chủng phòng sởi cho các cháu sớm hơn, có thể là tiêm khi 6 tháng tuổi. Đối với các bà mẹ đang trong lứa tuổi sinh đẻ, trước khi có thai nên đi tiêm phòng Sởi và Rubella. Đây là một trong những biện pháp miễn dịch bệnh cho bà mẹ, và khi con sinh ra đã có miễn dịch từ mẹ truyền sang nên 9 tháng đầu cháu có thể không bị mắc sởi” ông Điển cho biết./.