“Kỷ nguyên đen tối” của dịch sởi sẽ trở lại châu Âu

Giới chuyên gia y tế cảnh báo, tỷ lệ tiêm vaccine tại nhiều thành phố ở châu Âu đang giảm đáng báo động, cộng với việc tiếp nhận dòng người di cư, có thể khiến dịch sởi bùng phát nghiêm trọng trong những năm tới.

dich_soi_upzk.jpg
Dịch sởi đe dọa Berlin và Warsaw. Ảnh: MailOnline

Theo các chuyên gia, nguy cơ dịch sởi bùng phát ở ngay tại thủ đô Berlin của Đức và Warsaw của Ba Lan, giống như dịch bệnh xảy ra tại “Vành đai Kinh Thánh” tại Hà Lan. Khu vực này đã chứng kiến ba đợt bùng phát dịch sởi nghiêm trọng kể từ năm 1977 do tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng bệnh thấp. Dịch sởi quay lại “Vành đai Kinh Thánh” theo chu kỳ khoảng 12 năm, với số ca nhiễm bệnh ở người trưởng thành rất cao và nguy hiểm hơn.

Các chuyên gia y tế cảnh báo tỷ lệ tiêm vaccine thấp trong dòng người di cư tới Berlin và Warsaw, cũng như các đô thị khác tại châu Âu mang theo nguy cơ khiến bệnh sởi lây lan.

Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Jagiellonia, Hà Lan, do Tiến sĩ Bartosz Lisowski dẫn đầu, virus sởi lây lan rất mạnh, gây ra nhiều mối đe dọa với cộng đồng. Do đó, chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn là cần thiết để giảm nguy cơ dịch sởi, vốn được ví như “kỷ nguyên đen tối”, quay trở lại.

“Đây là một xu hướng đáng lo ngại và dịch sởi có thể bùng phát nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm. Như vậy, thế giới hiện đại sẽ bước lùi một bước về lại “kỷ nguyên đen tối”. Virus sởi có thể tiến hóa khiến cho dịch bệnh bùng phát quy mô lớn hơn và kéo dài dai dẳng hơn”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Tại thủ đô Warsaw, nơi có 5% dân số Ba Lan sinh sống và có hàng trăm trường học, xu hướng “tẩy chay vaccine” đang gia tăng. Số liệu các nhà nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học Biosystems cho thấy, phạm vi tiêm chủng tại Ba Lan đang “giảm không phanh” và gần đây đã thậm chí đã giảm xuống dưới mức cơ bản 95%-97%”.

Giới chuyên gia khuyến cáo, Ba Lan phải có kế hoạch khuyến khích người dân tiêm vaccine và triển khai chương trình tiêm chủng quy mô lớn tại thủ đô Warsaw, cũng như các thành phố khác, nếu họ muốn tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Trong khi đó, tại thủ đô Berlin của Đức, dịch sởi bùng phát mới đây nhất vào năm 2015, với hơn 1.243 trường hợp nhiễm bệnh. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát là do các bậc phụ huynh từ chối tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, những người nhập cư và người tị nạn chưa được tiêm chủng cũng là một phần nguyên nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc sởi đã gia tăng 30% trên toàn thế giới, đặc biệt việc bỏ qua tiêm chủng là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019.

Từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2018, WHO thống kê được có khoảng 41.000 trường hợp nhiễm sởi tại Liên minh châu Âu (EU), trong đó 40 trường hợp đã tử vong.

Dịch Sởi trở lại Mỹ

Theo giới chức y tế Mỹ, 26 tiểu bang tại Mỹ đã ghi nhận 349 ca mắc sởi trong năm 2018 - con số lớn thứ hai kể từ khi sởi được tuyên bố “bị xóa sổ” vào năm 2000.

Đặc biệt, bang Washington đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với vấn đề sức khỏe cộng đồng khi dịch sởi bùng phát vì xu hướng “tẩy chay vaccine”. Cơ quan y tế công cộng hạt Clark, bang Washington, thông báo đã có 23 trường hợp mắc sởi kể từ ngày 1/1/2019. Các trường hợp này đều là trẻ em chưa tiêm chủng, trong đó 18 ca là trẻ em dưới 10 tuổi.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo trẻ em tiêm liều vaccine đầu tiên trong khoảng 12-15 tháng tuổi và liều thứ hai từ bốn đến sáu tuổi.

Tiến sĩ Peter Hotez, tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas khẳng định, cách hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch sởi lây lan là loại bỏ quy định miễn trừ vaccine, đang được bang Washington và Oregon cho phép.  

Vaccine chỉ phát huy hiệu quả nếu 97% dân số được tiêm chủng. Những người không được tiêm phòng có 90% nguy cơ mắc bệnh sởi nếu nhiễm phải virus./.