Trước thực trạng nhiều nguồn dược liệu trên thị trường trở nên khan hiếm, có nguy cơ cạn kiệt, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã thực hiện dự án “Cây - con - giống” nhằm bảo tồn và đưa sản phẩm thuốc bào chế từ các loại cây này ra thị trường. Đại tá.BS Trần Ích Quân đã có cuộc trao đổi với PV VOV về vấn đề này.

dai-ta.jpg
Đại tá.BS Trần Ích Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an

PV: Việc thực hiện dự án “Cây - con - giống” có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt trước thực trạng nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường hiện nay, thưa ông?

Đại tá.BS Trần Ích Quân:Việt Nam là 1 trong những nước có nguồn dược liệu rất dồi dào, có thể nói đứng đầu Đông Nam Á. Nhưng trong những năm qua, do việc thu hái tự nhiên đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt. Ngoài ra, một số nước láng giềng cũng tăng thu mua nên việc khai thác vượt quá so với hiện trạng.

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại dược liệu, tuy nhiên chủ yếu là không rõ nguồn gốc xuất xứ, không biết thuốc sơ chế thế nào nên cũng có thể lẫn nhiều chất độc hại trong đó mà chúng ta không biết. Đặc biệt, việc vận chuyển chủ yếu đi qua những con đường tiểu ngạch nên không kiểm soát được chất lượng. Cá biệt, có nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc do dùng thuốc trôi nổi ngoài thị trường.

Mặt khác, nước ta có nền y học cổ truyền rất lâu đời, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bộ Công an được giao thực hiện dự án này bởi đặc thù có tính kỷ luật cao và đóng quân trên những địa bàn phù hợp với việc phát triển cây thuốc. Trải qua gần 2 năm, dự án này đã triển khai được 6 trại giam trên toàn bộ địa bàn ngành Công an quản lý. Ví dụ vùng Đông Bắc trồng ở Quảng Ninh, Tây Bắc trồng ở Sơn La, ở Bắc Trung Bộ trồng ở Thanh Hóa, Tây Trung Bộ trồng ở Ninh Thuận... Cơ sở Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội) là nơi nhân giống để cung cấp cho các cơ sở của dự án.

PV: Thực tế, cũng đã có nhiều dự án về bảo tồn cây thuốc, vậy điểm khác biệt của dự án này so với các dự án khác là gì?

Đại tá.BS Trần Ích Quân:Điểm khác của dự án này là yêu cầu thu hoạch đúng mùa và tuân thủ theo quy trình kĩ thuật của GAP và GACP từ khâu đất đai, nước tưới tới những quy trình kỹ thuật sơ chế thời vụ. Đặc biệt, chúng tôi tuyệt đối không dùng các loại thuốc kích thích sinh trưởng.

Qua gần 2 năm phát triển, dự án đã cho ra đời một số sản phẩm thuốc, được Bộ Y tế và các Viện kiểm nghiệm đánh giá là các hoạt chất cao nhất và tốt nhất, ví dụ như hoài sơn, hà thủ ô, trạch tả, nhân trần, ý dĩ, kim ngân, trinh nữ hoàng cung…

Chúng tôi cũng đã đào tạo được đội ngũ cán bộ trước đây chỉ quen làm nông nghiệp giờ đã có kiến thức để trồng cây dược liệu có hiệu quả cao.

Vườn ươm cây thuốc tại Trại giam Suối Hai, Ba Vì, Hà Nội

PV: Được biết, Bệnh viện Y học cổ truyền đã nghiên cứu, bào chế ra rất nhiều loại thuốc từ nguồn dược liệu quý này?

Đại tá.BS Trần Ích Quân: Bệnh viện Y học cổ truyền chữa trị bằng phương pháp đông tây y kết hợp. Hàng năm, chúng tôi có từ 6 - 8 đề tài nghiên cứu, trong đó 2-5 đề tài cấp bộ. Hầu hết đều bắt nguồn từ những nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ trong ngành. Một số loại thuốc được đưa vào sử dụng và được đánh giá cao như hoàn thanh não, hà thủ ô, viên hoàn đại tràng, dưỡng âm bổ phế lộ… Ngoài ra có 1 số bài thuốc khác như tiền liệt tuyến tăng sinh (bài thuốc IQ1 với các thành phần như ngưu tất, uất kim, trinh nữ hoàng cung, ô dược…), hiện nay đã được điều trị rộng cho các bệnh nhân có tiền liệt tuyến tăng sinh …

PV: Ông có thể đánh giá hiệu quả bước đầu của dự án?

Đại tá.BS Trần Ích Quân: Dự án được khởi động từ tháng 3/2012, hiện đang ở giai đoạn 1. Đây là giai đoạn chúng tôi tập trung vào nghiên cứu để tìm ra quy trình GACP chuẩn, có thể ứng dụng cho các cơ sở của công an. Đồng thời đánh giá được vùng nào trồng cây nào là tốt nhất ở các cơ sở của mình. Giai đoạn 2 của dự án là dựa trên cơ sở nghiên cứu ở giai đoạn 1, chúng tôi sẽ chuyển sang sản xuất hàng hóa, có thể cung cấp các sản phẩm thuốc cho thị trường với chất lượng cao, giá cả thấp hơn nhiều so với các loại thuốc ngoại nhập.

Đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu thành công, cho ra đời 1 số sản phẩm thuốc đạt tiêu chuẩn GACP để cung cấp cho thị trường. Đặc biệt là tạo được cơ chế phối hợp giữa các nhà khoa học, bệnh viện với người sản xuất. Hiện nay, ở trại giam tại Suối Hai, chúng tôi đã làm được những vườn giống: ba kích, hà thủ ô, hoài sơn, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam, kim ngân, bình vôi, nhân trần, tang kí sinh… và một số cây khác nằm trong danh mục 40 cây Bộ Y tế ban hành cho tuyến cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi còn có vườn bảo tồn 2.000m2 các loại cây con thuốc đang có nguy cơ tuyệt chủng ở khu vực phía Bắc. Đây sẽ là nguồn cung cấp dồi dào cho các cơ sở dược liệu của dự án.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!./.