bong_cuoi_1_jeem.jpg
Tối 17/10, sau khi sử dụng bóng cười, cô gái sinh năm 1994 có biểu hiện choáng váng, buồn nôn, tay chân co giật và phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Chỉ sau vài tiếng, tay và chân mất cảm giác. Hiện tại, mọi hoạt động, sinh hoạt của cô gái phải nhờ tới sự giúp đỡ của gia đình và điều dưỡng.
Bác sĩ Nguyễn Trần Hòa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Bệnh nhân khi cấp cứu bị co giật, mất ý thức, tay chân không còn cảm giác. Nguyên nhân chính là số lượng khí N2O đưa vào cơ thể liên tục trong thời gian ngắn, thần kinh bị ức chế, áp suất máu lên cao dẫn tới đột quỵ dạng nhẹ",  
Bác sĩ này cũng thông tin thêm tình hình của bệnh nhân đã ổn định nhưng các chi vẫn chưa hoạt động được. Nếu kết hợp điều trị thuốc và hồi sức, khoảng hai tuần, cô mới có thể hồi phục, song chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng sau này.
Bóng cười du nhập vào Việt Nam từ năm 2010, nhưng nó chỉ thực sự trở thành cơn sốt của giới trẻ trong một vài năm gần đây. Theo các bạn trẻ, thú chơi này giúp giảm stress. Tuy nhiên, để đánh đổi những tiếng cười này, đằng sau đó lại là hậu quả khôn lường. 
Bóng cười hay còn gọi là funky ball, thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O) thông qua một dụng cụ bơm. Chất khí nitrous oxide khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khí cười hay còn gọi là N2O vốn là một loại khí được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Đó là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ.
Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Hiện nay, khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau yếu. Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. 
Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện. 
Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. 
Việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy… Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở.
Tùy theo cơ địa của từng người sẽ gây ra hiện tượng như lờ đờ, ngơ ngơ dở thức dở ngủ làm cho thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật của mình giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi, rất có thể nguy hại đến tính mạng.
Theo Dailymail, bóng cười đã gây ra 16 trường hợp tử vong ở Anh trong khoảng năm 2006-2009 và 52 trường hợp tính từ năm 1971.
Loại khí gây cười N2O không phải bây giờ mới được biết đến mà đã được nhà hóa học người Anh– Humphry Davy (1778-1892) phát hiện ra khi người cộng sự của ông vô tình làm thoát khí N2O, khi hít phải, nhà hóa học này đã bất ngờ cười sặc sụa.