Sáng 29/12, chỉ sau hơn ít phút bắt đầu nhận đăng ký qua mạng, các cơ sở tiêm vaccine dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim) tại Hà Nội đã nhanh chóng hết số đăng ký khiến nhiều người dân vô cùng thất vọng.
Hà Nội hết số đăng ký, TP HCM nghẽn mạng đăng ký tiêm
Theo Dân Trí, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, ngay từ khi chốt phương án đăng ký trên mạng, các điểm tiêm đã thống nhất làm sao đảm bảo minh bạch, công bằng và đúng đối tượng tiêm. Vì vậy, phiếu đăng ký tiêm chỉ có giá trị trong ngày hẹn, với đúng thông tin trẻ được cung cấp trên phiếu. Mọi trường hợp chuyển nhượng phiếu tiêm, thông tin đăng ký không đúng tên trẻ, tên người giám hộ sẽ không triển khai tiêm. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ làm thêm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên phiếu với giấy tờ mà người nhà mang đến.
Theo ông Cảm, hàng ngày, trung tâm sẽ tổng hợp và thông báo số lượng vaccine sử dụng. Sau khi tổng hợp lượng vaccine còn dư lại vì số lượng tiêm “ảo” như những trường hợp đăng ký được nhiều nơi, bỏ tiêm sẽ có các thông báo tiếp theo.
Rất đông người dân ở phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội đưa trẻ đi tiêm vaccien miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. |
Lãnh đạo VNPT TP HCM cho biết, tổng đài 1080 tiếp nhận 29.276 cuộc gọi trong buổi sáng 29/12. Trong hơn 3 tiếng đồng hồ kể từ 8h, tổng đài đã nhận đăng ký đủ 2.870 liều vaccine, phân bổ cho 52 cơ sở tiêm chủng. Theo kế hoạch, số đăng ký này được tiêm vaccine vào ngày 30/12.
Chờ đợi vaccine dịch vụ rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ
Liên quan đến vấn đề tiêm chủng, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì bị động chờ đợi vaccine dịch vụ, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ và gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quinvaxem là vaccine phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib trong một mũi tiêm. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi – đối tượng dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam.
Trên toàn thế giới, Quinvaxem được sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia với hơn 450 triệu liều đã được cung cấp, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống lại các dịch bệnh nguy hiểm.
Tại Việt Nam, vaccine Quinvaxem được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6 năm 2010.
Vaccine được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để sử dụng đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc theo lịch tiêm chủng 03 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vaccine hàng năm đạt trên 90%. Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu liều vaccine được tiêm chủng cho trẻ tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/ phường trên cả nước.
Các kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem. Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh Viêm gan B sau khi tiêm chủng vaccine theo lịch mà chưa được tiêm chủng vaccine viêm gan B vào lúc sinh.
Vì Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng như sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,... nhưng đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn vaccine chứa thành phần vô bào. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và trường hợp tử vong so với vaccine chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau.
Theo Bộ Y tế, người dân nên cho trẻ đi tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem tại gần 16.000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Vaccine Quinvaxem đã được đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vaccine hoặc chưa đăng ký được vaccine dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường để được tiêm Quinvaxem kịp thời, bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng./.