Tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 9/1, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, khoảng 30 năm về trước, vào mỗi buổi sáng bà cùng đồng nghiệp sẽ tập thể dục và đọc báo vào đầu giờ. Tuy nhiên, bây giờ có nhiều thay đổi nên thói quen đọc báo, tập thể dục buổi sáng dần không còn. “Khi ngồi nhiều làm việc, tôi rất khó chịu, đau mỏi người, mỏi mắt. Đứng dậy vận động sẽ dễ chịu hơn"- Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, hơn 70% các loại chết là do các bệnh không lây nhiễmnhư: tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn. Hiện nay, hơn 90 triệu người cần có kiến thức phòng chống các bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Bộ trưởng Tiến cho biết, ngày 8/1, buổi tập thể dục tại công sở đầu tiên đã chính thức được thực hiện tại cuộc họp giao ban của Bộ. "Chúng tôi sẽ bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế, tiến tới ngày tập 2 lần ngay tại công sở, giữa các buổi họp, chỉ vài phút đứng dậy vận động ngay tại chỗ vẫn mang lại những giá trị hữu ích cho sức khoẻ", Bộ trưởng chia sẻ.
Bà Tiến cũng cho biết, bản thân bà sau khi đứng dậy tập tại chỗ chỉ vài phút, với 9 động tác thấy rất dễ chịu, thoải mái, nhẹ người.
Bộ Y tế cho biết, hoạt động tập thể dục ngay tại công sở trước mắt sẽ thực hiện ở cơ quan bộ, cán bộ ngành y, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, y tế dự phòng, văn phòng sở, văn phòng TTYT. Sau đó, Bộ sẽ gửi đến các cơ sở y tế tại các tỉnh thành để mở rộng mô hình này. Nếu các Bộ ngành khác có quan tâm, Bộ Y tế cũng sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tập thể dục tại công sở.
Tại Việt Nam, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73%
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ học tập một số bài tập thể dục ngắn của các nước như Nhật, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ…
“Trước mắt, công chức, viên chức của Bộ Y tế sẽ tập thể dục theo như trên màn hình trong các buổi giao ban của Bộ. Tôi đảm bảo bài tập này rất thích. Cùng với việc kết hợp giảm ăn mặn, giảm ăn đường thì sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe của chúng ta”- Bộ trưởng Tiến nói.
Mong muốn người dân được đo huyết áp thường xuyên
Báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Ước tính, hiện nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.
Điều tra của Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp nhưng không biết. 40% người biết mình bị tăng huyết áp thì chưa điều trị và 64% người bệnh điều trị mà không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, tại Nhật Bản, trong lúc chờ khám bệnh, mua thuốc, hay siêu thị bán thuốc, họ đặt sẵn một máy đo huyết áp. Người dân chỉ cần trả khoảng 10 yên là có thể tự kiểm tra huyết áp của mình. Đồng thời, họ cũng trang bị cả máy thử tiểu đường trên đầu ngón tay. Tại Việt Nam, việc trang bị các máy đo huyết áp, thử tiểu đường này sẽ vô cùng tốn kém. Theo Bộ trưởng Tiến, các trạm y tế cơ sở cần vận động người dân thường xuyên đo huyết áp để biết tình trạng sức khỏe hiện tại của mình. “Tại các trạm y tế, chỉ cần vận động bà con đến trạm y tế đo huyết áp miễn phí là sẽ rất nhiều người đến”- bà Tiến chia sẻ.
Bộ Y tế mong muốn bất cứ người dân nào cũng sẽ được đo huyết áp thường xuyên, biết được số đo huyết áp và tình trạng sức khỏe của mình./.
Tại sao người bệnh tiểu đường nên tập thể dục hàng ngày?