Theo đó, bệnh nhân là D.T.P. M. (15 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hoá), mắc hội chứng Wilson bẩm sinh khiến cơ thể không thải được đồng, tích tụ gây xơ gan.
GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức (bên phải) tại cuộc họp báo. |
Tháng 2/2017, bé M. bắt đầu xuất huyết tiêu hoá, hôn mê gan. Đầu tháng 3 được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rối loạn đông máu nặng, chỉ bằng 10- 20% người bình thường, nhiễm khuẩn huyết, được chỉ định thay huyết tương nhiều đợt, lọc gan... nhưng tình trạng không cải thiện.
Do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngày 23/3, Bệnh viện Vinmec đã đưa bệnh nhân về để điều trị khi điểm MELD lên tới 56 (trong khi đó khi điểm MELD trên 25 điểm đã có nguy cơ tử vong trên 80%).
Khi chuyển sang Việt Đức vào tối 28/3, bệnh nhân đã suy gan cấp, hôn mê gan độ 2, 3, rối loạn đông máu nặng. Tiên lượng chắc chắn tử vong nếu không được ghép gan.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sỹ đã xét nghiệm gan của người bố 39 tuổi, kết quả gan của hai bố con hoà hợp. Tuy nhiên gia đình trăn trở rất lớn, không muốn đánh đổi sức khoẻ của người cha để lấy 5- 6% hy vọng sống cho con.
Gia đình đã xin cho bệnh nhân về và bệnh viện đã ký giấy, cho xe cho bệnh nhân ra về, nhưng sau một hồi nghe lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Vinmec thuyết phục gia đình đã đồng ý cho bé M. ghép gan.
"Gia đình bệnh nhân sống ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, gia cảnh rất nghèo. Quỹ Thiện Tâm đã đóng góp các chi phí thiết bị y tế hàng trăm triệu đồng, kíp phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức hơn 100 người đã tham gia ca ghép và không nhận phụ cấp", GS Giang nói.
GS Trần Bình Giang cho biết, đây là trường hợp nặng nhất trong 36 ca ghép gan đã thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức.
Bác sỹ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Việt Đức cho biết ca ghép kéo dài trong khoảng 1o tiếng đồng hồ và có nhiều thời điểm rất khó khăn.
Tính đến 3-4, năm ngày sau ghép, người cho gan là bố đẻ bệnh nhân đã tự ăn và đi lại được, bệnh nhân đã được rút nội khí quản sau mổ 36 tiếng, sớm hơn dự định của bác sĩ, gan ghép đang trong quá trình hồi phục.
“Trước mổ bệnh nhân hôn mê, rất lo sau mổ bệnh nhân không tỉnh lại, bệnh nhân bị rối loạn đông máu có chống chỉ định với phẫu thuật, trong khi đây là ca phẫu thuật lớn là ghép cả lá gan... Nhờ sự phối hợp của các thầy thuốc, bệnh nhân đã vượt qua giây phút thập tử nhất sinh và sắp trở về với cuộc sống” -Bác sỹ Nghĩa nói./.