Số ca sốt xuất huyết tích lũy trong 8 tháng qua tại TP HCM là 39.814 ca, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018. Tại một số địa bàn như huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh… có hàng trăm ổ dịch sốt xuất huyết và hơn 900 điểm nguy cơ xuất hiện dịch. Đây là những địa bàn rộng, có nhiều bãi đất trống biến thành bãi tập kết rác thải, nhiều tuyến đường có nước bị ứ đọng trong thời gian dài, người dân có tập quán trữ nước mưa... là điều kiện lý tưởng để lăng quăng, muỗi vằn sinh sôi phát triển.
(Ảnh minh họa) |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trước cao điểm của mùa dịch năm nay, thành phố đang khẩn trương triển khai đồng thời 3 chiến dịch gồm: Chiến dịch xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019, chiến dịch phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng triệt để tại các ổ dịch và chiến dịch “Thanh niên xung kích” tại các đơn vị có cơ sở đoàn, tại các hộ gia đình của Đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, mỗi người dân, mỗi gia đình cũng cần có trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh. PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM khuyến cáo, người dân cần phải loại bỏ sớm các đồ vật trong nhà và ngoài trời có khả năng chứa nước, đọng nước.
“Giải pháp để phát hiện sớm phải xoay quanh nơi đẻ ra trứng, nở ra lăng quăng, có những nơi tiềm ẩn trong các hộ gia đình, những dụng cụ đặc thù. Để phát hiện được, chúng ta phải phân đoạn ra để kiểm soát”- PGS Phan Trọng Lân cho biết./.
Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Đà Nẵng ghi nhận gần 4.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết