Sáng nay (14/8), tại Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa Trung ương phối hợp với Công ty Ever Pharmar tổ chức hội thảo cập nhật chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ.
Tham dự hội thảo có GS Ruther Eckart, một trong những nhà thần kinh, tâm thần nổi tiếng trên thế giới; GS Phạm Gia Khả - chuyên gia đầu ngành Tim mạch Việt Nam và gần 500 bác sĩ, chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Các nội dung được đề tại cuộc hội thảo gồm: Cập nhật chẩn đoán về bệnh sa sút trí tuệ nói chung và đặc biệt là sa sút trí tuệ do mạch máu; Cập nhật điều trị sa sút trí tuệ và Đánh giá hiệu quả một số giải pháp can thiệp không dùng thuốc trên bệnh nhân Alzheimer.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhấn mạnh: Già hóa dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu và Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số già hóa và nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất trên thế giới. Chính vì quá trình già hóa dân số như vậy nên mô hình bệnh tật cũng thay đổi rất nhiều.
GS Phạm Thắng nêu rõ: “Chúng ta đang đối phó với sự gia tăng các bệnh mãn tính - một nhóm bệnh đặc trưng của tuổi già. Trong số các bệnh đó, vấn đề sa sút trí tuệ là điển hình ở người cao tuổi. Sa sút trí tuệ là một thảm họa đối với sức khỏe của người cao tuổi cũng như xã hội và gia đình. Bệnh này gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống cũng như đòi hỏi nhu cầu chăm sóc sức khỏe”.
Theo GS Phạm Thắng, bệnh sa sút trí tuệ ở Việt Nam mới được quan tâm trong thời gian gần đây. Sa sút trí tuệ do mạch máu là một hội chứng lâm sàng của sa sút trí tuệ do các bệnh mạch máu não gây nên. Là thể sa sút trí tuệ thường gặp thứ hai sau bệnh Alzheimer, nhưng đây không phải là bệnh duy nhất mà là một tập hợp các triệu chứng liên quan đến các cơ chế mạch máu khác nhau. Các biểu hiện thường gặp trong sa sút trí tuệ do mạch máu như giảm trí nhớ nặng, xuất hiện sớm; suy giảm ngôn ngữ; mất nhận biết đồ vật…
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương thực hiện năm 2008, tỷ lệ người già mắc bệnh sa sút trí tuệ ở cộng đồng chiếm gần 5%. Sau 5 năm, tỷ lệ này tăng lên gần gấp đôi.
GS Phạm Thắng cho biết: Tỷ lệ mắc mới sa sút trí tuệ ở bệnh nhân đã bị đột quỵ cao gấp 9 lần so với nhóm chứng; một năm sau đột quỵ có 25% bệnh nhân phát triển sa sút trí tuệ mới; 4 năm sau đột quỵ, nguy cơ mắc mới sa sút trí tuệ là 5,5%. Ở bệnh nhân sa sút trí tuệ đã bị đột quỵ có tỷ lệ sống sau 5 năm là 39%. Có thể dự phòng sa sút trí tuệ, do vậy việc phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác rất quan trọng.
“Vì vậy, chúng ta có thể hình dung rất rõ với sự bùng nổ của người già, các bệnh mãn tính trong một tương lai gần và số người mắc sa sút trí tuệ sẽ tăng lên rất nhiều”, GS Phạm Thắng cho biết.