Hiện nay, chính quyền và các ngành, đoàn thể cùng người dân tỉnh Bến Tre đang khẩn trương phòng chống dịch sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thống kê của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, tuần qua, trên địa bàn tỉnh phát hiện thêm 149 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 22 ca so với tuần trước đó. Nâng tổng số ca bệnh này từ đầu năm đến nay, hơn 2.700 ca, trong đó có 44 ca bệnh nặng (chiếm 1,6%), so với cùng kỳ năm ngoái tăng 820 ca; không có ca tử vong. Bến Tre đứng hàng thứ 3 trong nhóm 10 địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết cao nhất khu vực Nam bộ. Tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết, các địa bàn có số ca mắc cao nhất là: Ba Tri, Thành phố Bến Tre, Thạnh Phú...
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sốt xuất huyết gia tăng là sau đợt hạn mặn vừa qua, người dân ở địa phương này đầu tư mua sắm nhiều dụng cụ trữ nước mưa; đồng thời vỏ dừa, gáo dừa có nước mưa vứt bỏ tràn lan tại các hộ gia đình… là nơi sinh sôi, trú ẩn của lăng quăng. Tại huyện Ba Tri tồn tại nhiều ruộng trồng cỏ um tùm, bụi rậm chưa được phát hoang, các đống rơm rạ trữ lại làm thức ăn cho đàn bò… cũng là nơi trú ẩn của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trong những tháng tới đây, nhất là vào cao điểm mùa mưa. Do đó, chính quyền, các ngành, đoàn thể và người dân Bến Tre đang khẩn trương phòng, chống dịch bệnh này. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng, chủ động áp dụng các biện pháp, diệt lăng quăng, diệt muỗi ở khu dân cư và hộ gia đình.
Ngành y tế các cấp là lực lượng nòng cốt trong công tác đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết ở tỉnh Bến Tre. Ngoài công tác truyền thông, lực lượng này còn đi giám sát ổ dịch, kiểm tra mật độ lăng quăng, muỗi để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những giải pháp hữu hiệu đẩy lùi dịch bệnh này.
Tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 30 ca bệnh sốt xuất huyết nhưng đến cuối tháng 9/2020 chỉ có 8 ca, đa phần là các ca nhẹ. Về kinh nghiệm phòng chống dịch, sốt xuất huyết, bà Nguyễn Thu Loan, Trưởng trạm y tế, Phó Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh xã Tân Thạch, cho biết: “Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, chúng tôi đi điều tra chỉ số lăng quăng, đồng thời vận động bà con xúc lu, đậy nắp lu, phát hoang bụi rậm, thả cá lia thia… Qua đài truyền thanh, chúng tôi tuyên truyền tới các tổ tự quản để bà con nâng cao nhận thức, nắm được nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết”.
Về nguồn nhân lực, vật tư y tế, hóa chất… tỉnh Bến Tre chuẩn bị chu đáo từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh. Nhờ vậy, dù từ đầu năm đến nay số ca bệnh có tăng cao, nhưng không có trường hợp nào tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Văn Oanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết thêm: “Hiện tại, Bến Tre đang thực hiện tất cả các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch sốt xuất huyết, trong đó đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao ý thức. Đối với công tác chuyên môn thì thực hiện giám sát tại địa phương, cơ sở để phối hợp cùng các ban ngành để chỉ đạo, công tác phòng chống cho hiệu quả. Kiểm tra các ổ dịch ở các nơi nếu có xảy ra chặn liền, không để xảy ra dịch lớn. Về phần điều trị, cập nhật mới các phác đồ, bổ sung thêm theo cẩm nang của Bộ y tế mới phát hành, tổ chức phun thuốc, diệt lăng quăng theo đúng chỉ định không để ổ dịch lớn xảy ra”.
Bên cạnh những nỗ lực đó, ở một số địa phương, ở từng thời điểm cụ thể, chính quyền và người dân ở tỉnh Bến Tre còn lơ là, chưa thực hiện đều đặn công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Dù là điểm “nóng” xảy ra bệnh sốt xuất huyết, nhưng mới đây, khi trao đổi với PV VOV về công tác này, một lãnh đạo UBND huyện Ba Tri còn chưa nắm chính xác số ca bệnh đã xảy ra trên địa bàn./.