Bệnh nhân lần lượt ở Nam Định, Bắc Ninh và Ninh Bình.

Bệnh nhân ở Nam Định 63 tuổi, nhập viện sáng mùng 2 Tết trong tình trạng sốt, tiêu chảy, xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và gia đình xin về sau gần 1 ngày nằm viện.

tiet_canh_vnmy.jpg
Các ban hoại tử tím đen toàn thân trên cơ thể bệnh nhân ăn tiết canh từ lợn cắp nách.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ngày 30 Tết bệnh nhân này ăn tiết canh, uống rượu. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, xuất hiện các ban hoại tử trên da, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tương tự, hai trường hợp còn lại đều là thanh niên 37 tuổi ở Ninh Bình và Bắc Ninh, cùng ăn tiết canh trong bữa tất niên. Sau đó họ lần lượt được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào sáng mùng 1 và mùng 2 Tết trong tình trạng hôn mê, viêm màng não mủ do liên cầu lợn.

Cũng tại BV Nhiệt đới Trung ương, trước đó, vào dịp Tết Dương lịch 2017 cũng đã có bệnh nhân bị hoại tử toàn thân vì ăn tiết canh "lợn cắp nách", nhập viện điều trị với chi phí vô cùng tốn kém.

Mặc dù đã được các bác sĩ cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng rằng người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh, mà cần ăn chín uống sôi nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen ăn tiết sống và cho đó là món khoái khẩu. Thậm chí họ còn truyền tai nhau rằng, khi ăn tiết canh mà uống rượu sẽ diệt hết vi khuẩn có trong tiết canh!. TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV ĐH Y Hà Nội nhấn mạnh, đây là quan niệm không có cơ sở khoa học.

"Cách duy nhất để phòng nhiễm bệnh liên cầu lợn là phải ăn chín, uống sôi. Khi giết mổ lợn cần tuân thủ đúng quy trình vì nếu để thực phẩm gần nơi mổ lợn gần rổ rau sống cũng dễ bị nhiễm liên cầu lợn giống như chúng ta ăn tiết canh"- TS. Hải nói.

Dễ tử vong, nhiều biến chứng nặng

Phần lớn những trường hợp này liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.

Các bác sĩ cho biết, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Trong thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như: tiết canh, thịt và phủ tạng của lợn chưa được nấu chín.

Để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…). Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.

Thống kê hàng năm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn rải rác ở khắp các địa phương, đặc biệt tăng trong dịp nghỉ lễ dài. Có những năm, bác sĩ phải vất vả cả đêm cấp cứu bệnh nhân liên cầu lợn nguy kịch ngay đêm giao thừa./.