Căng thẳng học tập, môi trường học đường bất ổn, trở ngại trong các mối quan hệ, dậy thì... vô vàn những yếu tố trực tiếp gây rối loạn tâm thần ở học sinh hiện nay. Có thể với nhiều người, tình trạng này không quá nguy hiểm, nhưng trên thực tế, đây đang là một trong những vấn đề đáng báo động, khi đối tượng chịu ảnh hưởng chính là trẻ em với sự phát triển tâm sinh lý còn chưa hoàn thiện.

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn tâm thần ở tuổi học đường gây ra rất nhiều tác động về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cũng như các cơ hội sau này của các em.

Có thể nói, đã có không ít trường hợp trẻ vị thành niên có những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tự tử. Tuy nhiên, những biểu hiện của rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên rất dễ nhầm lẫn với những thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì.

TS.BS Đỗ Minh Loan phân tích, những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì thường không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập... nhưng với các rối loạn do bệnh lý tâm thần gây nên thì ít nhiều sẽ làm giảm khả năng học tập, khả năng lao động, gây trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày.

Để điều trị rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường là cả một quá trình dài, cần sự chung tay chung sức của gia đình, nhà trường, xã hội cũng như chính bản thân các em. Và chắc chắn rồi - liều thuốc tốt nhất cho con trẻ không gì hơn đó chính là tình yêu thương, sự thấu hiểu.

Lời khuyên của BS Đỗ Minh Loan là: Cha mẹ hãy làm bạn với con để hiểu được tâm tư của con. Các thầy cô giáo cũng nên có sự hiểu biết để nhận biết được kịp thời những thay đổi ở học sinh, từ đó đồng hành cùng các em vượt qua những giai đoạn khó khăn của lứa tuổi học đường, tránh những hệ lụy lâu dài về sau./.