Cuộc sống hiện đại ngày nay giúp người ta ít bị thiếu ăn, thiếu mặc, từ đó những yêu cầu về phẩm chất bữa ăn cũng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, chính vì được "ăn ngon" mà người ta lại dễ mắc phải nhiều loại bệnh hơn so với trước kia, tuổi thọ con người cũng bị rút ngắn vì những thói quen ăn uống không tốt.

Khoa học đã chứng minh, ăn uống lành mạnh có tính quyết định tới sức khỏe và tuổi thọ của con người, đặc biệt với 4 thói quen sau, chúng ta không chỉ góp phần tạo cho chính mình một sức khỏe tốt mà còn phòng tránh được nhiều loại bệnh.

1. Chế độ ăn nhẹ

Có thể với nhiều người, định nghĩa về một chế độ ăn nhẹ là thức ăn ít cay, ít dầu mỡ nhưng trên thực tế, để tốt nhất cho sức khỏe của bạn, một chế độ ăn nhẹ là chế độ duy trì được hương vị nguyên bản của thực phẩm mà không cần nêm nếm quá nhiều các gia loại gia vị.

Muối rất cần thiết cho cơ thể và phòng tránh một số bệnh về tuyến giáp, u bướu thế nhưng nếu có chế độ ăn thừa muối, lâu ngày sẽ tạo thành những tổn thương cho niêm mạc dạ dày, phát triển thành viêm loét dạ dày. Hơn thế, trong muối ăn, các gia vị tạo độ mặn cho đồ ăn thường có một lượng ion natri nhất định, nếu lượng ion natri này vượt quá tiêu chuẩn có thể khiến cơ thể bị tích nước và natri, gây mất cân bằng áp suất thẩm thấu huyết tương và dễ gây ra các vấn đề như huyết áp cao và tổn thương thận.

Một chế độ ăn nhẹ nhàng không chỉ tốt cho thận mà còn giúp dạ dày "nhẹ gánh" hơn, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu tốt nhất các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

2. Nhai chậm

Ông bà ta có câu "nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa" để chỉ tác dụng của thói quen ăn uống với sức khỏe con người. Ngày nay, khoa học đã chứng minh, ngay từ khi thức ăn được đưa vào miệng thì quá trình tiêu hóa đã bắt đầu. Răng và khoang miệng có tác dụng nghiền nát, trộn thức ăn với nước bọt để dạ dày tiêu hóa dễ dàng hơn.

Nếu bạn ăn quá nhanh, thức ăn sẽ không được nghiền đủ nhỏ, khi xuống đến dạ dày chúng không chỉ tạo thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa khi phải hoạt động lâu hơn để tiêu hóa hết thức ăn, không chỉ vậy thức ăn còn cứng đi xuống có thể làm trầy xước niêm mạc đường tiêu hóa, kích thích tiết nhiều axit hơn gây ra các bệnh như viêm, loét dạ dày và trào ngược thực quản.

Đồng thời, nếu ăn quá nhanh, thần kinh sẽ chưa kịp thông báo cảm giác no và khi bạn phát hiện thì bản thân đã ăn no quá mức, điều này có thể gây khó tiêu, ách bụng và lâu dài khiến cơ thể thừa cân, mắc bệnh dạ dày mãn tính. Béo phì xuất hiện mang theo hàng loạt hệ lụy như bệnh tim mạch, gan, máu nhiễm mỡ...

3. Ăn đủ bữa sáng

Nhiều người có thói quen ngủ muộn dậy muộn nên thường bỏ qua bữa sáng. Hoặc với những người giảm cân, họ cũng thường chọn bỏ ăn bữa sáng để giảm calo nạp vào cơ thể. Thế nhưng, bữa sáng mới là bữa quan trọng nhất trong ngày, nó cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động cả ngày dài. Đồng thời, trải qua một đêm hoạt động, đào thải độc tố và tái tạo tế bào, cơ thể chúng ta đang rất cần bổ sung glucose, calo và các chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động đều đặn của các chức năng. 

Nếu bạn bỏ bữa sáng, thời gian giữa các bữa ăn cách nhau quá lâu không chỉ hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng mà còn dễ dàng mắc các bệnh như hội chứng ruột  kích thích, táo bón, viêm loét dạ dày do axit dạ dày tăng cao.

4. Dinh dưỡng cân bằng

Không có loại thực phẩm thần kỳ nào có thể thay thế hoàn toàn các thực phẩm khác, mang lại nguồn dinh dưỡng dồi dào và đầy đủ cho cơ thể. Vậy nên, chúng ta cần bổ sung dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác nhau với một lượng hợp lý để vừa cân bằng dinh dưỡng vừa tránh béo phì. Hãy cố gắng ăn đủ chất, ăn đủ lượng các thực phẩm có chứa chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất chia đều trong các bữa ăn để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.

Khi có một cơ thể khỏe mạnh, các chức năng nội tạng và tuần hoàn mới có thể hoạt động dẻo dai và tuổi thọ con người mới được kéo dài.